Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Viêng Chăn, Lào vào ngày 5/4 tới.
Tháng 4/1995, 4 quốc gia hạ lưu đã thống nhất thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế để thực hiện Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. Trải qua 30 năm, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia thành viên.
Đối với Việt Nam, sông Mekong có vai trò đặc biệt, nuôi dưỡng hai vùng kinh tế là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Là thành viên của Ủy hội sông Mekong quốc tế, Việt Nam luôn có những đóng góp tích cực cùng các quốc gia khác xây dựng một khuôn khổ hợp tác nhằm phát triển bền vững lưu vực sông Mekong bao gồm các quy chế, thủ tục sử dụng nước, xây dựng quy hoạch, phát triển lưu vực để giải quyết vấn đề xuyên biên giới giữa các quốc gia ven sông.
Ngoài vai trò tích cực trong tăng cường vai trò của Ủy hội sông Mekong quốc tế, Việt Nam là quốc gia hạ nguồn của lưu vực sông này, Đồng bằng Sông Cửu Long đã và đang phải chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Vì thế, Việt Nam và các quốc gia khác sẽ thảo luận, xác định các khó khăn, thách thức của lưu vực sông Mekong tại hội nghị lần này.
Lưu vực sông Mekong là một thể thống nhất, cần được tất cả quốc gia có chung lưu vực cùng tham gia một cách toàn diện nhằm đạt được sự công bằng và bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên toàn lưu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!