Thêm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ĐBQH lo phình bộ máy, tăng kinh phí

Thùy An-Thứ ba, ngày 17/11/2020 11:48 GMT+7

VTV.vn - Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm nếu thành lập thêm lực lượng này sẽ làm "phình" bộ máy, nhiều địa phương khó khăn sẽ không ngân sách để bố trí.

Sáng nay (17/11), Quốc hội tiến hành thảo luận hội trường về dự Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Tăng 804.000 người hưởng ngân sách chứ không phải giảm 500.000 người?

Nêu quan điểm về dự luật này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) cho biết, theo hồ sơ dự án luật thì nếu được thông qua, lực lượng tham gia bảo vệ trị an ở cơ sở sẽ có 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người so với hiện nay, con số này chưa thực sự thuyết phục.

Thêm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ĐBQH lo phình bộ máy, tăng kinh phí - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) lo ngại bộ máy phình to

Ông Bộ nêu dẫn chứng, theo Pháp lệnh công an xã thì hiện nay có 126.000 công an xã bán chuyên trách, còn theo Nghị định 38 năm 2006 về việc bảo vệ dân phố thì tổ bảo vệ dân phố chỉ có ở phường, thị trấn với số lượng là 70.000 người. Theo Luật phòng cháy, chữa cháy, do không chịu được chi phí về ngân sách nên hiện nay chỉ có 23% cơ sở thành lập lực lượng này với con số thực tế là 500.000 người.

Như vậy, thực tế 3 lực lượng trên hiện nay có tổng số là 696.000 người. Trong khi đó, chỉ có 2 lực lượng công an xã bán chuyên trách và tổ bảo vệ dân phố là hưởng ngân sách thường xuyên với tổng số 196.000 người, còn dân phòng chỉ được hưởng khi thực sự làm việc và bồi dưỡng về nghiệp vụ.

"Nếu thành lập lực lượng này thì sẽ tăng thêm 804.000 người hưởng ngân sách hàng tháng chứ không phải giảm 500.000 người như dự thảo luật nêu", đại biểu Bộ cho biết.

Ngoài ra, đại biểu đoàn An Giang cũng đưa ra một vấn đề bất hợp lý trong dự luật này: "Theo các điều từ 19 - 22 dự thảo luật này, ngân sách địa phương phải chỉ trả từ trụ sở, phụ cấp, bảo hiểm…tôi e rằng ngân sách của địa phương sẽ không còn để đầu tư phát triển, bố trí cho an sinh xã hội".

Từ đó, đại biểu này đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Nội vụ "Bộ trưởng có ý kiến gì về việc 804.000 người tăng thêm này, trong đó 500.000 người đang hưởng phụ cấp vụ việc lại chuyển vào hưởng phụ cấp hằng tháng?", và câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính "Đề nghị Bộ trưởng tạm tính chi phí trụ sở, để cho lực lượng này hoạt động thì sẽ chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong ngân sách của địa phương?".

Lo ngân sách địa phương khó khăn không đáp ứng nổi

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn liệu có cần thiết phải ban hành Luật này hay không. Theo đại biểu Hòa, hiện nay lực lượng tham gia bảo vệ cơ sở có: dân phòng, ban bảo vệ dân phố, công an viên không chuyên trách, tổ tuần tra biên giới và lực lượng dân quân.

Thêm lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ĐBQH lo phình bộ máy, tăng kinh phí - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lo lắng về ngân sách địa phương không đáp ứng được

Khẳng định đã nắm số liệu rất chắc và chịu trách nhiệm về số liệu mình cung cấp, đại biểu Hòa cho rằng, dự Luật đưa ra con số giảm 500.000 người là không thực tế. Vì các lực lượng trên mỗi địa phương đều khác nhau.

"Có địa phương thành lập tổ dân phòng theo Luật phòng cháy chữa cháy, nhưng có địa phương do điều kiện ngân sách không thành lập lực lượng này. Số liệu trong Tờ trình của Chính phủ đưa ra có 1,5 triệu người tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có nghĩa là tăng chứ không hề giảm", ông Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu Hòa cũng bày tỏ băn khoăn về một vấn đề khác trong dự luật đó là, ngân sách bố trí cho lực lượng này theo dự thảo Luật là 1,5 - 1,8 tỷ đồng/tháng/địa phương thì may ra chỉ có những địa phương như TP.HCM, Hà Nội chứ các địa phương ngân sách khó khăn e rằng khó đáp ứng nổi.

Cho rằng tính khả thi của dự án luật cần phải đánh giá sát với thực tế, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn, khi dự luật này được thông qua thì các mô hình tự quản khác có duy trì tiếp hay không và tính pháp lý của các lực lượng này thế nào?.

"Trên danh nghĩa là lực lượng quần chúng tự nguyện có chế độ chính sách thì rõ ràng đây là lực lượng có tổ chức" đại biểu Hoa đặt vấn đề đồng thời đưa ra câu hỏi: "Nguồn kinh phí cho lực lượng này được đóng góp từ quần chúng hay từ ngân sách? Mô hình này ở đô thị và nông thôn giống hay khác nhau?".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước