Luật Phòng không nhân dân quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không; nguồn lực, chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đối với phòng không nhân dân.
Luật quy định nhiệm vụ phòng không nhân dân là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch đột nhập, tiến công đường không và tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m.
Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phạm vi quản lý trên 5.000m để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự, quốc phòng tại địa phương; ý kiến khác đề nghị quy định phòng không nhân dân ở độ cao dưới 3.000m vì vũ khí trang bị cho lực lượng phòng không nhân dân không thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao trên 5.000m.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định lực lượng phòng không nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không. Hiện nay, lực lượng phòng không nhân dân đã được trang bị vũ khí có tầm bắn trên 5.000m; được trang bị các phương tiện trinh sát phòng không đủ khả năng quan sát, phát hiện được mục tiêu ở độ cao dưới 5.000m. Vì vậy, lực lượng phòng không nhân dân đủ khả năng tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000m. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định phạm vi quản lý ở độ cao dưới 5.000m.
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật là quy định về cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (Điều 30). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phương tiện bay có trọng lượng cất cánh dưới 0,25 kg là phương tiện bay siêu nhỏ, độ cao bay thực tối đa không quá 50 mét, tốc độ bay ở mức tối đa không quá 40 km/h và thiết bị phát sóng vô tuyến đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tầm ngắn sử dụng công suất nhỏ, là phương tiện bay được điều khiển bằng tay, chủ yếu phục vụ mục đích vui chơi giải trí (người điều khiển phải nhìn thấy phương tiện bay bằng mắt thường để điều khiển); đồng thời, khoản 4 dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định cụ thể việc cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác trong dự thảo Luật.
Liên quan đến nội dung đình chỉ bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (Điều 33), theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đình chỉ chuyến bay được thực hiện theo quy định về phân cấp chỉ huy, quản lý trong Bộ Quốc phòng (theo trình tự thẩm quyền đình chỉ từ trên xuống dưới); Bộ Công an và các đơn vị Công an có quyền đình chỉ bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác do Bộ Công an, cơ quan Công an cấp phép hoặc phương tiện bay xâm phạm mục tiêu do Bộ Công an, đơn vị Công an bảo vệ.
Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc nhằm đảm bảo yêu cầu xử lý kịp thời đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác vi phạm. Về trình tự cụ thể sẽ do Chính phủ quy định chi tiết bảo đảm tính chặt chẽ, không mang tính tùy nghi, không chồng chéo về thẩm quyền, rõ trách nhiệm của từng cấp. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, chỉnh lý và sắp xếp các khoản, điểm cho thống nhất, chặt chẽ như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!