Theo Quyết định về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian hoàn thành rà soát trong tháng 4/2023. Thực hiện biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật và các văn bản thi hành Luật, hoàn thành trong tháng 3/2023.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân, người hành nghề về các quy định về quyền và nghĩa vụ, các nội dung mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức tập huấn triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh cho cán bộ thuộc các bộ, ngành trung ương, địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thi hành Luật. Thời gian thực hiện trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công và gửi về Bộ Y tế trong tháng 3/2023.
Các cơ quan được phân công chủ trì thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch này có trách nhiệm lập kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Việc lập dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm Kế hoạch triển khai thi hành Luật được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đối với các nhiệm vụ triển khai trong năm 2023, các bộ, ngành, địa phương chủ động dự toán bổ sung và sắp xếp, bố trí trong nguồn ngân sách nhà nước được giao từ đầu năm 2023 để triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí chi thường xuyên, bảo đảm ngân sách nhà nước thực hiện Kế hoạch này.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương và cơ quan liên quan phải bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ phải tích cực, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả.
Các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan phải có lộ trình cụ thể để bảo đảm Luật được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Trước đó, vào ngày 9/1/2023, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 gồm 12 chương và 121 điều, có một số điểm mới cơ bản như: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Đáng chú ý, Luật đã quy định mở rộng đối tượng hành nghề; thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.
Để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn; cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ....
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!