Thủ tướng: Bình Dương phải phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau

VTV News-Thứ bảy, ngày 03/12/2022 18:59 GMT+7

VTV.vn - Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buôi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương chiều 3/12.

Trong chương trình công tác tại Bình Dương, chiều 3/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Dương về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo, nhất là trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.

Thủ tướng: Bình Dương phải phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

* Điều tiết ngân sách cho Trung ương

Báo cáo tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn, song nhờ nỗ lực, phấn đấu, tỉnh Bình Dương vẫn đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt kinh tế có mức tăng trưởng khá cao. Dự kiến cả năm 2022, tỉnh đạt và vượt 30/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 8,29%, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ chiếm đến 90%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%. Thu ngân sách ước đạt gần 62 nghìn tỷ đồng, vượt 3% dự toán, đảm bảo các nhiệm vụ chi và điều tiết ngân sách Trung ương. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 61,5 tỷ USD, xuất siêu 10 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được tiếp tục có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm. Đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Về giải ngân vốn đầu tư công, năm 2022 tỉnh Bình Dương được giao chi hơn 8.929 tỷ đồng, đến nay, tỉnh đã phân bổ chi tiết 100% cho các dự án theo quy định, song giải ngân mới đạt 48,20% kế hoạch, đứng thứ 15/63 địa phương xếp theo thứ tự từ thấp đến cao...

Tỉnh Bình Dương kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan một số nội dung về cơ chế và vốn liên quan các dự án: đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh; đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép; điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và ga Dĩ An.

Bình Dương cũng đề xuất cho phép tỉnh huy động nguồn lực triển khai một số dự án khác trên địa bàn tỉnh; áp dụng mức trần dư nợ vay của ngân sách địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để tiến hành các thủ tục phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; tạm ứng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm; cho phép tỉnh điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Thủ Dầu Một...

Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Bình Dương; làm rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; góp ý các giải pháp để Bình Dương phát triển nhanh, bền vững; đồng thời giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh...

Theo đó, lãnh đạo các Bộ, ngành cho rằng, Bình Dương có tiềm năng, cần tiếp tục phát triển theo hướng trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Trong quá trình đó, Bình Dương cần tăng cường quản lý xây dựng đô thị; quản lý, sử dụng đất đai; đảm bảo môi trường; đảm bảo anh sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, nhất là nơi tập trung nhiều công nhân; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cùng với phát triển hạ tầng chiến lược, tỉnh cần quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của tỉnh...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chuyến công tác của Thủ tướng tới tỉnh Bình Dương, sau khi làm việc với TP Hồ Chí Minh tiếp nối chuỗi làm việc với các tỉnh, thành phố thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, biểu dương, bày tỏ ấn tượng về Bình Dương năng động, có kinh tế và công nghiệp phát triển, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn gắn bó để phát triển, gần đây Bình Dương luôn nằm trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tỉnh Bình Dương có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội; có đầy đủ yếu tố phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ việc tỉnh Bình Dương giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chỉ số giường bệnh, bác sĩ trên đầu người đạt thấp...

Thủ tướng: Bình Dương phải phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

* Phải phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, bền vững

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, sau khi phân tích thời cơ, thuận lợi, thách thức, khó khăn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Bình Dương phải phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, bền vững; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả; đảm bảo an sinh xã hội...

Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành tỉnh Bình Dương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng; không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước các vấn đề này sinh; Phát huy tối đa nội lực ở các cấp, kết hợp với ngoại lực; kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại để cùng cả nước phát triển; Thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra và cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chương trình, hành động của tỉnh, theo hướng phát triển nhanh, hài hòa, bao trùm, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trước mắt, tỉnh phải nắm chắc tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, rà soát các doanh nghiệp liên quan bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn để đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tái cơ cấu các doanh nghiệp để phát triển bền vững.

"Các đồng chí phải xem công việc của người dân, doanh nghiệp như công việc của nhà mình; thấy khó khăn của người dân, doanh nghiệp như khó khăn của mình; thấy việc vượt qua khó khăn của doanh nghiệp như thành quả của chính mình. Trên cơ sở đó, tổng hợp, phân tích những vấn đề nào cần xử lý trước, vấn đề nào xử lý sau. Trong lúc khó khăn mỗi người phải chia sẻ một phần, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu Bình Dương khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh tiêm vaccine phòng, chống COVID-19; khắc phục hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ. Tỉnh phải tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, cố gắng hoàn thành vào tháng 6/2023 với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, vì quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt. Quy hoạch Bình Dương phải theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bình Dương đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân; tiếp tục phát huy thành tựu, thu hút đầu tư nước ngoài vào địa phương, với phương châm hai bên cùng thắng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, môi trường, an sinh xã hội ngang tầm với kinh tế, không hi sinh môi trường, an sinh xã hội lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đặc biệt, Bình Dương phải đảm bảo trật tự an toàn xã hội vừa bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân, vừa để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư; làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong bất cứ hoàn cảnh nào; đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng...

Về giải ngân đầu tư công, hiện là điểm yếu của tỉnh, Thủ tướng đề nghị tỉnh phân tích nguyên nhân và có giải pháp để khắc phục, trong đó lưu lý các khâu chuẩn bị đầu tư; tránh dàn trải; tập trung giải phóng mặt bằng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; nâng cao năng lực quản lý của chủ đầu tư, tư vấn giám sát; thực hiện chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm của một số cán bộ làm cản trở phát triển. "Đề nghị tỉnh Bình Dương mở chiến dịch đẩy mạnh giải ngân vốn đầu công từ nay đến 30/1/2023", Thủ tướng gợi mở.

Thủ tướng đề nghị Bình Dương phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, cấp, ngành; tổ chức rà soát và kiểm điểm định kỳ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

"Trong khi nguồn vốn đầu tư công đang có và không giải ngân được thì doanh nghiệp đang khó khăn về vốn; chúng ta phải phân tích và khắc phục", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Bình Dương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia; kết nối, tích hợp các dữ liệu tạo dữ liệu dùng chung; triển khai tổng kết năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 đảm bảo đúng quy trình, hiệu lực, hiệu quả.

Về các đề xuất, kiến nghị của Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý xem xét và cơ bản đồng tình với ý kiến của các Bộ, ngành. Cùng với cho ý kiến đối với từng kiến nghị cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bình Dương để giải quyết, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình chung và đặt trong mối quan hệ với cả vùng Đông Nam Bộ và cả nước, trên tinh thần tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để khơi thông cho sự phát triển, không vướng mắc nào là không thể xử lý.

Trong đó, tỉnh cần xác định rõ vấn đề gì, ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai để xử lý. Những vấn đề thuộc thầm quyền của Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó xử lý; những vấn đề thuộc nhiều Bộ, ngành, địa phương thì phải phối hợp xử lý; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền để xử lý.

Thủ tướng tin tưởng, với tinh thần "đã cố gắng rổi, cố gắng hơn nữa; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao; làm việc phải có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào dứt điểm việc đó", Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp tỉnh Bình Dương sẽ đạt nhiều kết quả cao hơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo; góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước