Thủ tướng Chính phủ: Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược

Theo VGP-Thứ bảy, ngày 20/08/2022 09:17 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Theo K. Marx, cơ sở của giá trị hàng hóa là lao động; hàng hóa là sản phẩm của lao động. Được hình thành và phát triển trong nền kinh tế thị trường, thị trường lao động có vị trí rất quan trọng; hoạt động hiệu quả của thị trường lao động góp phần bảo đảm ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.

Thủ tướng Chính phủ: Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Đồng thời xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển KTXH.

Trong những năm qua, thị trường lao động ở Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả và chuyên nghiệp. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động trong nước và thị trường xuất khẩu lao động.

Trước tình hình đó, cùng với những giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách liên quan tới thị trường lao động. Nhờ đó, sau khi chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", thị trường lao động đã từng bước được phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế - xã hội nước ta. Quy mô lực lượng lao động, tỉ lệ tham gia lao động và số người có việc làm tiếp tục tăng . Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm dần.

Tuy nhiên, phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả trước mắt và lâu dài để đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Trên tinh thần đó, Hội nghị hôm nay với chủ đề "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" để cùng nhau đánh giá những kết quả đạt được của thị trường lao động trong những năm qua, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và những vấn đề đang đặt ra hiện nay để có các giải pháp phù hợp phát triển thị trường lao động trong thời gian tới, nhất là chủ động ứng phó với những tình huống đột xuất, bất ngờ, những cú sốc trên thị trường do tác động từ bên ngoài hoặc nội tại nền kinh tế.

Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị về phát triển thị trường vốn, sau đó đã kiểm soát tình hình tốt hơn và thị trường có chiều hướng lành mạnh hơn, hiệu quả qua, bền vững hơn; tiếp đó, tổ chức hội nghị về thị trường bất động sản, để thị trường có những bước tiến và các bất cập đang dần được khắc phục. Như vậy, Chính phủ ra tuyên bố ổn định và phát triển các loại thị trường – một trong "4 ổn định" trong trọng tâm, chỉ đạo điều hành của Chính phủ hiện nay, theo cách tiếp cận thị trường, rất linh hoạt, phù hợp tình hình.

Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện: (1) Nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN (đầu tư, kinh doanh theo quy luật thị trường, theo quy luật cung-cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết). (2) Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (3) Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng Chính phủ: Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược - Ảnh 2.

Thủ tướng nhấn mạnh: Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định lao động - việc làm là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển KTXH - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là lĩnh vực rất quan trọng với nhiều vấn đề, nội dung khác nhau cần được thảo luận kỹ lưỡng, do đó để Hội nghị thực chất, hiệu quả, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần thẳng thắng, cởi mở, xây dựng, cầu thị, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, trong đó tập trung vào một số nội dung chính sau: (1) Làm thế nào để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò phát triển thị trường lao động và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững? (2) Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách về thị trường lao động theo hướng nào để tăng cường quản lý nhà nước và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho thị trường lao động phát triển hài hòa, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế? (3) Những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa? (4) Giải pháp nào để chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay, nhất là những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra?

Với nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn, nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, Việt Nam chịu tác động lớn bởi các yếu tố nêu trên, chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước. Do đó, chúng ta luôn ở tư thế tích cực, chủ động, linh hoạt ứng phó với các diễn biến mới một cách hiệu quả.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" khai mạc sáng nay (20/8). Hội nghị được thực hiện kết hợp hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng dự tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chù tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Dự tại đầu cầu các địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước