Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone (Chủ tịch ASEAN 2024) đã đồng chủ trì tọa đàm doanh nghiệp với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số". Cùng dự tọa đàm có Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, nước Chủ tịch ASEAN 2024 đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác. (Ảnh: VGP)
Tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng Lào nhấn mạnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, do đó cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các chủ thể, trong đó có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với Chính phủ và giữa các nước với nhau.
Chủ tịch Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng nhiều doanh nghiệp cho rằng, để thúc đẩy kinh tế số, ASEAN cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và có môi trường pháp lý đủ mạnh.
Tổng Giám đốc Vietjet Air cho biết, hãng đã triển khai nhiều giải pháp trên nền tảng AI giúp thay đổi hoạt động của ngành hàng không, đầu tư Trung tâm công nghệ Galaxy Innovation Hub, tham gia nhiều dự án đổi mới sáng tạo với các đối tác lớn trên thế giới. Vietjet đã đề xuất phát triển các khu vườn ươm công nghệ để xây dựng một ASEAN tiên phong về công nghệ.
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cùng với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, là những động lực tăng trưởng mới cho phát triển nhanh, bền vững, vì tương lai thịnh vượng của ASEAN, khu vực và toàn cầu. Việt Nam xác định rõ, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một định hướng phát triển chiến lược; đồng thời đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế số đạt bình quân 20%/năm.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và các đối tác tăng cường hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy 3 lĩnh vực ưu tiên trong phát triển kinh tế số, gồm: phát triển ngành công nghệ thông tin; số hóa các ngành, lĩnh vực gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực quản trị số, phát triển dữ liệu số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chínhphát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu:
-Một là, thúc đẩy tiếp cận bình đẳng trong chuyển đổi số, kinh tế số trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm minh bạch, an toàn, bao trùm, bền vững, để mọi người dân, doanh nghiệp, cộng đồng đều tham gia và thụ hưởng thành quả.
- Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ tự lực, tự cường, tự chủ của ASEAN trong chuyển đổi số; khẩn trương hoàn tất Hiệp định khung ASEAN về kinh tế số.
- Ba là, thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong phát triển kinh tế số của ASEAN; chú trọng giải quyết những vấn đề chung, mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến toàn dân như sức ép chuyển dịch cơ cấu lao động, an ninh mạng, tội phạm mạng, mặt trái của trí tuệ nhân tạo (AI)…; quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.
Thủ tướng đề nghị các đối tác của ASEAN tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ, đồng hành cùng ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong quá trình chuyển đổi số, nhất là 3 lĩnh vực gồm: làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ số hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra các động lực tăng trưởng mới; tăng cường hợp tác, hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng thể chế, hạ tầng số để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng về chuyển đổi số trong khu vực và thế giới; chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định chung về chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiên phong về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong quá trình phát triển của ASEAN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!