Thủ tướng đốc thúc xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 10/03/2021 22:06 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VTV.vn - Thủ tướng yêu cầu Bộ TNMT đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, đảm bảo đến tháng 7 năm nay hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định.

Tại cuộc họp của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử vào chiều 10/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định dù 3 năm qua thành quả về phát triển Chính phủ điện tử là vượt bậc mang tính nền tảng, nhưng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia như Đại hội XIII của Đảng đã xác định, thì nhiệm vụ vẫn còn rất lớn.

Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử lần đầu tiên được thành lập ở Việt Nam cách đây 3 năm, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban. Cũng 3 trong năm qua, phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã có những bước đột phá mang tính nền nền tảng sau nhiều năm. Để làm gương, Chính phủ đã đi đầu trong việc quản lý, trao đổi văn bản điện tử và chỉ đạo, điều hành qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Đến nay, 90% văn bản của các cơ quan nhà nước là văn bản điện tử. Còn mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đã kết nối tất cả các bộ, ngành, tỉnh, thành và gần hết các quận, huyện, thị xã. Cùng với phát triển hệ thống thông tin báo cáo điện tử, Chính phủ đã triển khai E-cabinet để họp và lấy ý kiến các thành viên Chính phủ thay vì phát hành hàng trăm nghìn hồ sơ, tài liệu giấy.

Với khung Chính phủ điện tử mới, đến nay, những nền tảng quan trọng nhất đã được hình thành. Trong 8 Cơ sở dữ liệu quốc gia thì Cơ sở dữ liệu về Bảo hiểm đang quản lý thông tin của 90 triệu người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin theo thời gian thực của hơn 1 triệu doanh nghiệp và Cơ sở dữ liệu tài chính chứa thông tin 65 triệu cá nhân và trên 700.000 doanh nghiệp. 

Sau nhiều năm không thực hiện được, gần đây, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, liên quan nhiều nhất đến người dân cũng đã được khai trương sau gần một năm xây dựng. Cơ sở dữ liệu này hiện đã thu thập được dữ liệu của 98% dân số cả nước. Qua đó, từ ngày 1/7/2021, hộ khẩu giấy sẽ được bỏ và người dân có thể dùng căn cước công dân gắn chip điện tử để giao dịch. Qua Cổng Dịch công Quốc gia, người dân và doanh nghiệp có thể truy cập qua một địa chỉ đến dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước. Sau hơn 1 năm hoạt động, từ 8 dịch vụ, nay đã có 2.800 dịch vụ trong 6.700 dịch vụ công trực tuyến trong cả nước được cung cấp tại đây. Trong đó, 1/3 ở cấp độ 4, tức là người dân có thể nộp hồ sơ qua mạng, thanh toán qua mạng và nhận kết quả tại nhà.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 3 năm qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chính phủ điện tử đã góp phần quan trọng vào việc phát triển Chính phủ điện tử. Đây là giai đoạn đầu tiên sau 20 năm Chính phủ có tầm nhìn, mục tiêu cụ thể đến từng bộ, ngành và địa phương về phát triển Chính phủ và chính quyền điện tử. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, hình thành cơ bản đầy đủ cơ sở pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử. Các nền tảng của Chính phủ điện tử được phát triển và hình thành, để tích hợp và chia sẻ dữ liệu, tiền đề để phát triển Chính phủ số. Cùng với đó là an toàn, an ninh quốc gia trên không gian số đã được bảo đảm tốt hơn. Còn các doanh nghiệp trong nước đã phát triển được 40 nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các thành viên của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử cùng các bộ, ngành và địa phương đã chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam trong 3 năm qua. Thủ tướng đặc biệt biểu dương Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã tích cực đi đầu trong tiến trình này và triển khai được nhiều công việc cụ thể như Cổng dịch vụ công quốc gia. Phát triển Chính phủ và Chính quyền điện tử mấy năm gần đây đã phục vụ tốt quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp, đã thúc đẩy phát triển đô thị thông minh. Tuy nhiên, để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia như Đại hội XIII của Đảng đã xác định, thì phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Cùng với yêu cầu các Bộ liên quan sớm hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao các Bộ tiếp tục hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật về Chính phủ điện tử nhất là về tích hơp và chia sẻ dữ liệu và định danh cá nhân.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ và địa phương tiếp tục mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, vì hiện nay mới chỉ được hơn 31%, đi cùng với mở rộng các Cơ sở dữ liệu quốc gia để giảm chi phí và thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đến tháng 7 tới đây, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần hoàn thành Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng trong quản lý tài nguyên đất đai và cũng là nền tảng để phát triển các dịch vụ Chính phủ điện tử.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước