Thủ tướng đồng ý ban hành chuẩn nghèo mới

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 29/12/2020 19:38 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2020 (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 vào chiều 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương việc ban hành chuẩn nghèo mới.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương việc ban hành Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia cho 5 năm tới. Từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia. Với chuẩn nghèo mới, đây sẽ là căn cứ để xác định chính xác hơn hơn hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều trong toàn quốc. Đồng thời, làm cơ sở thực tiễn để xác định mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo trong Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ trong 5 năm tới.

Về bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới trong 5 năm tới, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng xem xét, ban hành. Cũng trong 5 năm tới, Chính phủ phấn đấu có thêm ít nhất 1.776 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn lên 80% từ mức 62% hiện nay. Mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến, số vốn cần huy động để thực hiện chương trình này là hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 25% so với nhiệm kỳ này.

Về công tác xây dựng pháp luật năm 2021, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 43 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật vừa được ban hành đầu tháng 12 sau Hội nghị toàn quốc về công tác này.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội về Dự Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, lưu ý làm rõ sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ giữa hai dự Luật.

Bộ Công an tiếp thu ý kiến về Dự Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, trong đó lưu ý về sự cần thiết, báo cáo Chính phủ xem xét, thảo luận cùng với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ chỉ đạo sát sao việc xây dựng, ban hành 15 văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng đồng thời củng cố, tăng cường cán bộ giỏi về chuyên môn cho Vụ Pháp chế ở tất cả các bộ và Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo Vụ này cũng như công tác xây dựng pháp luật.

Hà Nội chuẩn bị cho tháng cao điểm 'Vì người nghèo' Hà Nội chuẩn bị cho tháng cao điểm "Vì người nghèo"

VTV.vn - Qua 20 năm triển khai thực hiện, công tác giảm nghèo của Hà Nội đã thu được những kết quả tích cực, số hộ nghèo ở Hà Nội chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,4%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước