Thủ tướng: Đưa hợp tác về Halal thành trụ cột trong quan hệ kinh tế quốc tế

Việt Cường-Thứ ba, ngày 22/10/2024 19:27 GMT+7

VTV.vn - Chiều 22/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam".

Thủ tướng: Đưa hợp tác về Halal thành trụ cột trong quan hệ kinh tế quốc tế - Ảnh 1.

Thủ tướng cùng các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về lĩnh vực Halal lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 600 đại biểu đến từ 50 nước, các tổ chức khu vực, quốc tế, người đứng đầu các cơ quan quản lý Halal quốc tế, cùng nhiều doanh nghiệp quốc tế uy tín trong lĩnh vực Halal, đại diện đại sứ quán các nước Hồi giáo, thị trường Halal quan trọng.

Các đại biểu quốc tế đánh giá, việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia là cột mốc quan trọng, cho thấy Việt Nam đã định vị mình là nguồn cung ứng thực phẩm Halal đáng tin cậy, mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp.

Thủ tướng: Đưa hợp tác về Halal thành trụ cột trong quan hệ kinh tế quốc tế - Ảnh 2.

Thủ tướng: Trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, có thể khẳng định rằng thị trường Halal đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác to lớn cho tất cả chúng ta với những tiềm năng to lớn. (Ảnh: VGP)

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, hội nghị thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ Việt Nam và các đại biểu, doanh nghiệp về tầm quan trọng của thị trường Halal toàn cầu; nhấn mạnh 5 ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Hội nghị.

"Thứ nhất, góp phần kết nối con người Việt Nam với con người các nước trên thế giới, nhất là thế giới đạo Hồi, trong bối cảnh chiến tranh, xung đột diễn biến phức tạp ở nhiều nơi. Ý nghĩa thứ hai, kết nối Việt Nam và thế giới thông qua các sản phẩm Halal, dịch vụ Halal. Thứ ba, kết nối nền kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu một cách đa dạng, phong phú, toàn diện và bền vững. Thứ tư, kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa của các nước trên thế giới, đặc biệt là văn hóa của các nước đạo Hồi về văn hóa ẩm thực. Thứ năm, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, chuyên nghiệp hơn, bao trùm hơn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào bảo vệ sức khỏe người dân với tinh thần ăn ngon, ăn sạch", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng: Đưa hợp tác về Halal thành trụ cột trong quan hệ kinh tế quốc tế - Ảnh 3.

Chủ tịch Trung tâm Chứng nhận Halal Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) Eng.Moteb Al-Mezani phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng cho biết, nhận thức rõ về tầm quan trọng của thị trường Halal toàn cầu và những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực, tập trung phát triển ngành Halal và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực; trong đó, đã ban hành Đề án về "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030"; thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia.

Thủ tướng nhấn mạnh 3 thông điệp về phát triển ngành Halal. Thứ nhất, Việt Nam rất quan tâm và mong muốn đưa hợp tác về Halal thành một trụ cột trong quan hệ kinh tế quốc tế trong hiện tại và tương lai. Thứ hai, Việt Nam sẽ phát triển sản phẩm, hệ sinh thái Halal nhanh, bền vững, toàn diện, chuyên nghiệp, hiệu quả, coi Halal là "cơ hội vàng" để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị Halal toàn cầu. Thứ ba, Việt Nam phát triển ngành Halal dựa trên sự tôn trọng các giá trị văn hóa văn hóa, tôn trọng con người, quyền con người để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, đa dạng, cùng phát triển, vì hạnh phúc, ấm no của mỗi người dân.

Thủ tướng: Đưa hợp tác về Halal thành trụ cột trong quan hệ kinh tế quốc tế - Ảnh 4.

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" (tháng 2/2023), có ý nghĩa định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành Halal của Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Chứng kiến lễ trao 5 văn kiện hợp tác giữa các trung tâm, học viện Halal quốc tế với các cơ quan, hiệp hội phía Việt Nam, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện "5 đẩy mạnh" để phát huy nội lực và hợp tác quốc tế về Halal; trong đó, đẩy mạnh chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quản lý nhà nước liên quan đến Halal, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác về Halal; đẩy mạnh đưa các đối tác quốc tế đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực này; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam, mở cửa thị trường cho các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa để tăng cường tiềm năng hợp tác trong phát triển ngành Halal tại Việt Nam.

Thị trường Halal - Cơ hội gia tăng xuất khẩu nông sản Việt Nam Thị trường Halal - Cơ hội gia tăng xuất khẩu nông sản Việt Nam

VTV.vn - Với dân số hơn 2 tỷ người, thị trường các nước Hồi giáo Halal được đánh giá là đầy tiềm năng để xuất khẩu nông sản.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước