Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp Brazil vượt khoảng cách địa lý, tăng cường đầu tư tại Việt Nam

Theo VGP-Chủ nhật, ngày 24/09/2023 20:55 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính chào hỏi, trò chuyện với các đại biểu dự tọa đàm.

VTV.vn - Sáng 24/9, theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Brazil.

Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil và Hiệp hội Thương mại Sao Paulo tổ chức nhân chuyến thăm chính thức tới Brazil của Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp Brazil đã thông tin về các dự án hoạt động tại Việt Nam, đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện tại Việt Nam; đồng thời tìm hiểu về cơ hội hợp tác đầu tư, kết nối kinh doanh, nêu các kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành hai nước và đề xuất các dự án hợp tác cụ thể với mong muốn tạo ra những giá trị mới và động lực tăng trưởng mới để thúc đẩy, nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Brazil cả về chất và đi vào chiều sâu trong thời gian tới.

Các ý kiến tại cuộc tọa đàm đề nghị đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác (đặc biệt là nông nghiệp); phối hợp triển khai các chương trình hợp tác trong xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước.

Đồng thời đề nghị Chính phủ hai nước khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh nhằm nâng tầm quan hệ thương mại - đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai nước.

Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp Brazil vượt khoảng cách địa lý, tăng cường đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng thông tin tới các doanh nghiệp Brazil về những nét chính về tình hình Việt Nam, những định hướng lớn, những thành tựu cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại và hội nhập của Việt Nam.

Chào mừng các doanh nghiệp Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng hai nước có quan hệ bạn bè truyền thống rất tốt đẹp. Sau gần 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là từ khi thiết lập mối quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2007, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Brazil đã và đang tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, quan hệ chính trị ngày càng gắn bó và tin cậy, trong khi quan hệ kinh tế thương mại ngày càng gia tăng.

Việt Nam và Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhau tại khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ, với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức kỷ lục khoảng 6,78 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2021, tăng gấp 3 lần trong một thập kỷ qua.

Tuy nhiên, nhìn chung, quan hệ kinh tế vẫn chưa phát triển tương xứng với quan hệ chính trị, hợp tác đầu tư giữa hai nước còn rất khiêm tốn.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng sau chuyến thăm chính thức lần này, quan hệ bạn bè truyền thống Việt Nam - Brazil sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư còn nhiều dư địa phát triển, hai nước có nhiều thế mạnh bổ sung, hỗ trợ, tác động lẫn nhau trên nền tảng chính trị rất tốt.

Brazil có diện tích 8 triệu km2 với hơn 200 triệu dân, trong khi Việt Nam có diện tích nhỏ hơn nhưng cũng có khoảng 100 triệu dân.

Thủ tướng cho rằng nằm đối diện nhau ở hai nửa bán cầu, nhưng người dân Việt Nam và Brazil có nhiều nét tương đồng, nhất là sự chân tình, cởi mở, lòng hiếu khách và sự sẻ chia.

Nhiều người Việt Nam biết đến một nước Brazil với nền văn hóa Mỹ Latin đặc sắc và ngày nay đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn của thế giới với quy mô GDP đạt gần 2.000 tỷ USD. Đặc biệt, người Việt Nam rất đam mê bóng đá và ngưỡng mộ nền bóng đá Brazil, với đội tuyển quốc gia đã nhiều lần vô địch thế giới, các huyền thoại bóng đá Brazil như Pele, Ronaldo... đã đi vào lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp Brazil vượt khoảng cách địa lý, tăng cường đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 2.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Brazil và Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao khoa học, công nghệ; tăng cường kết nối để hiểu, chia sẻ và hợp tác, cùng nhau phát triển.

Thủ tướng cũng thông tin tới các doanh nghiệp Brazil những nét chính về tình hình Việt Nam, những định hướng lớn, những thành tựu cơ bản, trong phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại và hội nhập của Việt Nam.

"Chúng ta có thể còn thiếu thông tin, chưa hiểu hết thị trường của nhau, còn có thể e ngại khoảng cách địa lý. Về điều này, chúng ta sẽ tăng cường kết nối các doanh nghiệp và khắc phục khoảng cách về địa lý bằng nhiều giải pháp bằng vận tải hàng không, hàng hải, tìm tiếng nói chung về các mặt hàng có thể bổ sung cho nhau, như Việt Nam có thể nhập khẩu bông, đỗ tương, ngô từ Brazil và xuất khẩu sang Brazil da giày, dệt may, nông sản, hàng điện tử", Thủ tướng phát biểu.

Thông tin thêm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, kim ngạch hai chiều của hai nước đạt 6,8 tỷ USD vẫn chưa bằng 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Do vậy, dư địa còn rất lớn cho cả hai bên.

Brazil có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latin, cũng như Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Brazil tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ông Nguyễn Hồng Diên cũng nhận định, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, Việt Nam có cơ hội đón làn sóng đầu tư mới. Do vậy, rất mong các doanh nghiệp Brazil tăng cường cung ứng nguyên vật liệu cho Việt Nam, nhất là các ngành công nghiệp mới, như công nghệ bán dẫn.

Bộ trưởng Công Thương cho biết đang thúc đẩy đàm phán và ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - MERCOSUR, trong đó có Brazil và ngay trong tháng tới, Bộ sẽ tăng cường nhân lực cho thương vụ Việt Nam tại Brazil.

Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp Brazil vượt khoảng cách địa lý, tăng cường đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 3.

Thủ tướng khẳng định, các doanh nghiệp Brazil có thể yên tâm đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

Kết thúc tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện nay Việt Nam đang tập trung cho 3 đột phá chiến lược, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động thời kỳ mới, phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông, viễn thông để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh.

Mong các doanh nghiệp Brazil góp ý cho Việt Nam trong quá trình này, Thủ tướng khẳng định các doanh nghiệp Brazil có thể yên tâm đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

Khẳng định Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc Brazil mở Văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Brazil tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Brazil và Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao khoa học, công nghệ; tăng cường kết nối để hiểu, chia sẻ và hợp tác, cùng nhau phát triển. Cùng với đó, với nền văn hóa giàu bản sắc, thể thao thành tích cao phát triển, Việt Nam - Brazil tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao.

Thủ tướng mong muốn, với không khí quan hệ chính trị tốt đẹp như hiện nay, các doanh nghiệp Brazil đến Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhiều hơn trên tinh thần hai bên cùng thắng, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Đánh giá cao thiện chí hợp tác của các doanh nghiệp Brazil, Thủ tướng cho biết, Việt Nam tích cực cùng Brazil đàm phán các hiệp định thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển.

Do đó, đề nghị các doanh nghiệp hai bên tích cực tham gia và triển khai các cơ chế hợp tác thành những chương trình, dự án cụ thể. Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, đạt 15-20 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước