Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự Hội nghị. (Ảnh: VGP)
Khai mạc hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chưa bao giờ Chính phủ, các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương các nước thực hiện biện pháp hỗ trợ để vực dậy nền kinh tế như năm 2020. Ngân hàng Nhà nước đã xác định việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, thiên tai là trọng tâm, đã tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng, phí thanh toán.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 18/12, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ 2019. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt.
Tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm và ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020 và Chỉ thị 02, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp mà vẫn tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi, thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch, doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành này đã chủ động, kịp thời, tiên phong trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả dịch bệnh, thiên tai và tháo gỡ khó khăn để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: VGP)
Theo đề nghị của Thủ tướng, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước quyết định đã 3 lần giảm từ 1,5 đến 2% lãi suất điều hành.
Đây là một trong các ngân hàng Trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực. Do đó, lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1% một năm, lãi suất cho vay ngắn đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5% một năm. Còn các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc miễn, giảm, hạ lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp cho hơn 1 triệu khách hàng với gần 3,7 triệu tỷ đồng. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả năm nay lên đến 11%. Đây là minh chứng cho thấy đầu tư kinh doanh trong nước vẫn đang phát triển tốt.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hệ thống ngân hàng trong năm tới tiếp tục không đặt quá cao lợi nhuận để tiếp tục chia sẻ với người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Cùng với việc mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời chấn chỉnh và xử lý kịp thời những yếu kém của một số ngân hàng và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!