Chính phủ dành trọn 1 ngày để họp phiên chuyên đề pháp luật, xem xét, cho ý kiến về 9 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và dự thảo Luật.
Các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về 7 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh gồm: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và Đề nghị xây dựng Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Chính phủ cũng thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi).
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận và cho ý kiến về từng dự án luật, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các Bộ có liên quan đã tích cực chuẩn bị, trình các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các dự thảo Luật, nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở, qua đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về thể chế.
Thủ tướng cảm ơn các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hỗ trợ tích cực trong việc hoàn thiện các dự thảo Luật. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ, dành nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện các dự án luật, nhất là đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các nội dung khác trình Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục coi trọng công tác xây dựng thể chế, đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thúc đẩy quá trình xây dựng thể chế nhanh, kịp thời, đặc biệt coi trọng chất lượng; rà soát lại các thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tập trung phân cấp phân quyền nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi, tăng cường kiểm tra giám sát với tinh thần thiết kế chính sách phải thông thoáng nhưng phải có công cụ để giám sát kiểm tra. Qua đó, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế nhằm thúc đẩy quá trình phát triển theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với bước đi, lộ trình phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường vai trò người đứng đầu, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật, nâng cao năng lực phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan và với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời chú ý lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn, tiếp thu ý kiến nhân dân, đối tượng thụ hưởng; nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, tình hình đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!