Thủ tướng: Tập trung ưu tiên cho chống dịch

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 11/08/2021 21:51 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng một lần nữa yêu cầu, phải thật sự nghiêm túc, trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch và thực hiện nghiêm nguyên tác "ai ở đâu thì ở đó".

Chiều nay (11/8), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 và về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo của các Bộ, ngành, mặc dù bị tác động mạnh từ dịch bệnh nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh 7 tháng vẫn được duy trì. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 7 tháng tăng 7,9% so với cùng kỳ, thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 68% dự toán năm. Việt Nam đã huy động được khoảng 18 triệu liều vaccine để tiêm phòng miễn phí cho toàn dân. Đến nay, đã thực hiện hỗ trợ 12,1 triệu lao động với tổng kinh phí trên 5.700 tỉ đồng, đồng thời hỗ trợ người dân thông qua chính sách giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông với quy mô khoảng trên 10.000 tỉ đồng... Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nên tình hình còn rất nhiều khó khăn. Xuất khẩu có xu hướng chững lại, riêng tháng 7 giảm 0,8% so với cùng kỳ, CPI tháng 7 tăng ở mức cao (0,62%) và có nguy cơ tiếp tục tăng nếu dịch bệnh kéo dài; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều địa phương cho biết đã tập trung chỉ đạo quyết liệt cho nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là kiểm soát dịch bệnh và từng bước phục hồi phát triển kinh tế, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Trung ương.

Về việc sản xuất vaccine, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết đã cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ cho một công ty của Việt Nam để tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 theo công nghệ mRNA của Mỹ.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, về những nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, sáng nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo hết sức quan trọng, có tính định hướng cả trước mắt và lâu dài, đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp thu những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư để triển khai thực hiện hiệu quả. Thủ tướng lưu ý, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, những cân đối lớn. Về chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo lưu thông và giữ ổn định lạm phát. Phát triển kinh tế hài hòa, hợp lý với phát triển văn hoá, phát triển bền vững bảo vệ môi trường, phát triển theo chiều sâu. Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh an sinh xã hội chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tập thể, mở ra phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra giám sát. Tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Đối với tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô 7 tháng cơ bản ổn định, nhiều lĩnh vực đạt kết quả khá tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm chỉ đạo, an sinh xã hội được giữ vững. Những điểm sáng đó cần tiếp tục phát huy. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tích cực về nền kinh tế nhưng chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn. Trong lúc này, tập trung ưu tiên cho chống dịch. Chống dịch thành công thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi kinh tế - xã hội thuận lợi hơn. Thủ tướng cũng nhắc lại, rằng chống dịch là việc làm chưa có tiền lệ, tình hình diễn biến nhanh do chủng virus mới, do đó quá trình làm phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa tổng kết, sơ kết, kịp thời phát hiện những cái chưa phù hợp. Các biện pháp chống dịch phải hoàn thiện dần. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP với nhiều nội dung chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc thời gian qua, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thật nghiêm túc, trách nhiệm.

Chính phủ biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao các địa phương, cơ quan, đơn vị đa huy động nguồn lực tối đa chống dịch, huy động sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp. Một số địa phương chống dịch thành công, triển khai hiệu quả Nghị quyết 68 của Chính phủ, hỗ trợ kịp thời người lao động, doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn có một số cơ quan, đơn vị, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chưa thực hiện nghiêm các quy định, khiến dịch kéo dài. Việc thực hiện Chỉ thị 16 ở một số địa phương cũng chưa nghiêm, chưa được giám sát chặt. Thủ tướng yêu cầu đề ra mục tiêu giãn cách thì phải có giải pháp và phải thực sự nghiêm túc. Thực hiện 4 tại chỗ có nơi có lúc chưa thực hiện nghiêm, còn lúng túng, bị động, không đáp ứng yêu cầu, do đó Thủ tướng đề nghị phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.

Thủ tướng đề nghị TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang trong tâm dịch phải phát hiện sớm, khoanh vùng nhanh, dập dịch, sớm phân loại và điều trị tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình, hạn chế tối đa các ca tử vong. Đồng thời các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Chính quyền các cấp phải thực thi, nhân dân phải hưởng ứng. Phải nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, động viên, tuyên truyền cho người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Về vaccine, Thủ tướng nêu rõ, hiện Việt Nam đang tích cực sản xuất vaccine trong thời gian sớn nhất nhưng phải tuân thủ các quy định và đảm bảo quy trình khoa học vì liên quan sức khỏe của người dân, chỉ có thể cắt bớt quy định về thủ tục hành chính, cùng với đó là tích cực thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế tạo mọi điều kiện cho chuyển giao công nghệ nhanh chóng.

Còn việc tiếp cận vaccine đang diễn ra không bình đẳng trên thế giới, dẫn đến khả năng khan hiếm từ nay đến tháng 10.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ, bảo đảm công tác phòng, chống dịch, phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, là đội quân sản xuất, chiến đấu và công tác. Bộ Công an có nhiều giải pháp hỗ trợ, cũng là lực lượng tuyến đầu, bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân, bảo đảm an dân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế. Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chi tiêu tài chính để tiết kiệm chi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, gắn kết tiêu thụ nông sản, bảo đảm an ninh lương thực, phòng chống dịch bệnh gia súc, phòng chống thiên tai. Bộ Công Thương có giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử, khai thông thị trường trong nước, đảm bảo lưu thông hàng hóa và đẩy mạnh nhanh cấp mã QR Code trong phân luồng, tăng cường quản lý thị trường hàng hoá, dịch vụ, xử lý nghiêm đầu cơ, tích trữ, nâng giá, hạn chế nhập siêu. 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bảo đảm an sinh xã hội, nghiên cứu mở rộng đối tượng hỗ trợ trong điều kiện có thể. Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm kết thúc năm học, chuẩn bị năm học mới phù hợp tình hình. Bộ Xây dựng thúc đẩy công tác quy hoạch cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; nhanh chóng nghiên cứu đề xuất xây dựng nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, chống các hiện tượng sách nhiễu, phiền hà dân. 

Bộ Ngoại giao đẩy mạnh công tác ngoại giao vaccine. Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện sổ sức khỏe điện tử và sổ tay hướng dẫn sử dụng, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền những việc tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đấu tranh phải bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. 

Thủ tướng nhấn mạnh nỗ lực khôi phục lại sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp và yêu cầu phải cương quyết giữ mạch lưu thông hàng hoá. Đồng thời bảo đảm lưu thông về tiền tệ, tài chính - mạch máu của nền kinh tế. Người đứng đầu chính phủ yêu cầu không để đứt gãy các chuỗi cung cứng về lao động, hàng hóa, sản xuất toàn cầu. Những nơi an toàn, sản xuất được thì hỗ trợ nơi đang là tâm dịch, và thực hiện sáng tạo cách làm, "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" tùy tình hình từng địa phương. Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu hỗ trợ phần nào chi phí xét nghiệm cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ cho các cơ sở thực hiện 3 tại chỗ trong sản xuất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định với quyết tâm xây dựng Chính phủ khóa XV đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, một trong những nhiệm vụ trước hết của Chính phủ hiện nay là quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước