Tiếp tục đổi mới hoạt động Quốc hội, đảm bảo chất lượng các dự án luật

Quang Hạnh, Đình Hưng-Chủ nhật, ngày 12/11/2023 21:44 GMT+7

VTV.vn - Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp thành 2 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội.

Sau đợt 1 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ nghỉ từ 11/11 - 19/11 trước khi bắt đầu đợt 2 từ ngày 20/11. Việc đổi mới tổ chức kỳ họp với một tuần nghỉ giữa hai kỳ được cho là cần thiết, qua đó, giúp các cơ quan tiếp thu ý kiến đại biểu, tiếp tục hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội, xem xét thông qua.

Theo ông Dương Khắc Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: ''Chia làm hai đợt để các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan, các cơ quan trình các dự án luật, nghị quyết có thời gian tiếp thu kỹ lưỡng ý kiến thảo luận, đồng thời cũng nghiên cứu kỹ hơn các cái nội dung tiếp theo để tham gia có chất lượng hơn, tốt hơn''.

''Chúng tôi thấy rằng đợt nghỉ này vô cùng quan trọng, đặc biệt là những dự án luật còn có nhiều ý kiến khác nhau thì đây là cơ hội để đánh giá kỹ lưỡng'', ông Nguyễn Hoàng Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nói.

Kỳ họp này, đại biểu Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua 17 dự án luật, 1 dự thảo Nghị quyết, số lượng nhiều nhất trong một kỳ họp từ trước đến nay. Khoảng thời gian nghỉ giữa hai đợt của kỳ họp vừa giúp các đại biểu Quốc hội giữ vị trí lãnh đạo, quản lý ở Trung ương cũng như địa phương có thời gian giải quyết công việc, đồng thời giảm bớt áp lực, đảm bảo chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: ''Trước đây, khi Quốc hội họp tập trung liên tục trong một khoản thời gian, các cơ quan của Quốc hội, UBTV Quốc hội có rất ít thời gian, thậm chí phải họp cả đêm để xem xét, cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội. Với cách tổ chức như hiện nay, UBTV Quốc hội cũng như các cơ quan của Quốc hội có thời gian xem xét, giải trình thấu đáo, tiếp thu một cách đầy đủ nhất ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ rằng đây là cách làm hay để đảm bảo chất lượng của các dự thảo trình Quốc hội xem xét thông qua''.

Đổi mới trong hoạt động Quốc hội là nhiệm vụ được thực hiện xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ và mục tiêu cao nhất đó là đảm bảo chất lượng các dự án luật, nghị quyết khi triển khai trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước