Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 từ ngày 14-17/9 tới với chủ đề: "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo". Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng, được kỳ vọng có thể tăng cường vai trò của nghị viện nói chung, và các nghị sĩ trẻ nói riêng, trong việc thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Chia sẻ về mục đích, ý nghĩa việc tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong cho biết, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu đã đặt nền móng cho việc thúc đẩy vai trò nền móng của thanh niên trong IPU, Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích trao quyền cho thanh niên để xử lý các vấn đề cùng quan tâm và thúc đẩy hoạt động của các nghị viện. Hội nghị này cũng giúp chia sẻ kinh nghiệm và góc nhìn của giới trẻ về một loạt vấn đề nóng trên toàn cầu. Hội nghị cũng giúp hình thành nên một nền tảng kết nối các nghị sĩ trẻ toàn cầu, đồng thời giúp họ kết nối với các nhà lãnh đạo trẻ trong mọi lĩnh vực của đời sống, cho tới nay, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu đã trở thành một sự kiện rất quan trọng đối với các Nghị sĩ trẻ trên toàn thế giới.
Đánh giá về những kết quả đã đạt được qua 8 kỳ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu đã được tổ chức trước đây, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới cho biết, mỗi Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu đều có chủ đề đề cập đến những vấn đề nóng, không chỉ là vấn đề thu hút sự quan tâm của giới trẻ, mà còn là vấn đề của tất cả mọi người dân trên toàn thế giới, không phân biệt tuổi tác, để cũng hướng tới tương lai. Đó là những vấn đề về biến đổi khí hậu toàn cầu, phát triển bền vững, phục hồi sau đại dịch Covid-19 và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, tất cả các hội nghị được tổ chức đều nhấn mạnh đến việc phải thúc đẩy sự tham gia của người trẻ trong việc ra quyết định chính trị. Mỗi kỳ hội nghị đều đưa ra được văn bản đề cập đến các hành động mạnh mẽ mà các nghị sĩ trẻ có thể thúc đẩy thực hiện ở chính quốc gia của mình. Các hội nghị này không chỉ đưa ra góc nhìn của giới trẻ về các điều luật và hoạt động của các nghị viên trên toàn thế giới, mà còn tác động đến chính hoạt động của IPU.
Chia sẻ kỳ vọng về Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới cho biết, ông còn nhớ rõ Đại hội đồng IPU-132 được tổ chức tại Hà Nội năm 2015. Khi đó, IPU đã thông qua Tuyên bố Hà Nội biến lời nói thành hành động, thúc đẩy các nghị viện thành viên hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, mới chỉ có 12% các mục tiêu phát triển bền vững được thực hiện theo đúng tiến độ. Vì vậy, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa cho các mục tiêu này. Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là những yếu tố quan trọng giúp chúng ta đạt được mục tiêu này, và những nghị sĩ trẻ, những công dân của thời đại số, là những nhà lãnh đạo hoàn hảo nhất để dẫn dắt tiến trình này. Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới bày tỏ tin tưởng Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ giúp các nghị sĩ trẻ nói riêng, các nghị viện nói chung thay đổi mạnh mẽ hơn để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.
Đánh giá cao sự hợp tác của Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc gia trong việc chuẩn bị Hội nghị tới, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới cho biết, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế, IPU rất đón đợi quay trở lại Hà Nội để tham gia Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới tin tưởng chắc chắn rằng Hội nghị sẽ thành công rất tốt đẹp.
Lễ khai mạc Đại hội đồng IPU-132, tổ chức tại Hà Nội năm 2015
Được chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ được Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 14-17/9 với chủ đề: "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo". Hội nghị là cơ hội để các nghị sĩ trẻ từ khắp nơi trên thế giới thảo luận về các hoạt động của nghị viện nhằm nâng cao vai trò của người trẻ trong việc thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng như các giá trị văn hóa và con người.
Theo dự kiến các đại biểu sẽ tham gia thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững. Cụ thể, tại các phiên thảo luận, đại diện nghị viện các nước thành viên IPU sẽ bàn luận về nhiều vấn đề quan trọng như: Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong thúc đẩy quả trình chuyển đổi Số nhằm tăng cường cơ hội phát triển bền vững; Chia sẻ kinh nghiệm của Nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của Nghị viện vì sự phát triển bền vững.
Các đại biểu sẽ thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (bao gồm cả khởi nghiệp của thanh niên) làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghệ thực phẩm (foodtech); Chia sẻ kinh nghiệm của Nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Tao đổi, thảo luận về sự về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo góp phần đẩy mạnh quá trình đạt được SDGs; Đề xuất đối với các nghị viện về chính sách và giải pháp về xây dựng , hoàn thiện thể chế, chính sách để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo
Ngoài ra, nhiều nội dung quan trọng cũng được đề cập đến tại hội nghị như: Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; Phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; Cam kết bảo vệ và phát huy đa dạng văn hoá; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và sự đa dạng cho văn hoá; Vai trò của văn hóa và sự đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!