TP Hồ Chí Minh cần nâng cao hơn một mức công tác giám sát, điều tra dịch tễ

Theo VGP-Thứ năm, ngày 18/11/2021 21:48 GMT+7

Ảnh: VGP/Đình Nam

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh phải nâng cao hơn một mức công tác giám sát y tế, dịch tễ đến từng người dân; tăng cường xét nghiệm điều tra dịch tễ cộng đồng…

Chiều 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Tổ công tác đặc biệt) đã làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là những bài học, kinh nghiệm rút ra qua hơn một tháng chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết 128/NQ-CP.

Kiến nghị bổ sung thuốc điều trị

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay Thành phố có 10/22 quận, huyện và TP. Thủ Đức ở cấp độ 1; 11 địa phương ở cấp độ 2; 1 địa phương ở cấp độ 3.

Đánh giá đến cấp xã, phường, có 161/312 đơn vị ở cấp độ 1; 146 đơn vị ở cấp độ 2; 5 đơn vị ở cấp độ 3.

Từ ngày 1/10 đến 16/11, ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 896.165 người, phát hiện 52.915 ca mắc COVID-19 (F0); xét nghiệm PCR cho 416.201 người, phát hiện 62.784 F0.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, nguyên nhân chính làm tăng số ca mắc ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua chủ yếu là người lao động quay lại làm việc và lây lan trong khu nhà trọ. Sở Y tế thành lập các đội đặc nhiệm để khoanh chặt, không để các ổ dịch mới lan rộng.

Hiện số ca nhiễm đang điều trị là 68.000 người, trong đó tầng 2, tầng 3 là 12.634 người.

TP Hồ Chí Minh đã thiết lập 264 trạm y tế lưu động, phấn đấu mỗi trạm chăm sóc tốt nhất 50-100 F0 tại nhà, cung cấp hơn 292.000 túi thuốc cho các trung tâm y tế.

Thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tổng số F0 mắc mới có 3,5% cần thở oxy, 0,4% thở máy xâm lấn.

Đến ngày 16/11, Thành phố đã tiêm gần 13,9 triệu liều vaccine (7,87 triệu mũi 1 và 6 triệu mũi 2), trong đó có 668.000 mũi tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Thành phố đang hoàn thiện kịch bản thu dung, điều trị trong tình huống không có lực lượng chi viện; duy trì, bổ sung các trạm y tế lưu động ở các quận, huyện có số ca mắc mới cao, trong đó huy động lực lượng y tế tư nhân; hình thành các cụm điều trị phân bố theo địa bàn quận, huyện; duy trì các bệnh viện dã chiến quận, huyện; kích hoạt mạng lưới "thầy thuốc đồng hành"; tổ chức tiêm vét vaccine tại nhà cho người cao tuổi, người có yếu tố nguy cơ…

TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị bổ sung thuốc Molnupiravir đáp ứng nhu cầu điều trị F0 tại nhà; rút ngắn thời gian cách ly điều trị đối với F0 không triệu chứng, đã tiêm đủ vaccine và có kết quả âm tính vào ngày thứ 7; duy trì và bổ sung các trạm y tế lưu động do lực lượng quân y phụ trách…

Đối với việc bảo đảm cung ứng hàng hoá, an sinh xã hội, Thành phố đã cho phép 175/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại; chi trên 12.032 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 6,2 triệu người gặp khó khăn do dịch bệnh; khôi phục nhiều tuyến vận tải liên tỉnh, xe buýt…

Các DN trong khu chế xuất, khu công nghiệp có 1.355 DN (tương đương 96%) với 230.000 công nhân (tương đương 80%) đã kết thúc thực hiện phương án "3 tại chỗ" mà thay thế bằng phương thức sản xuất an toàn, có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt đề nghị Thành phố cần tiếp tục đánh giá, nhận định, phân tích tình hình đặt ra khi thực hiện thích ứng an toàn trong thời gian tới; tăng cường năng lực giám sát, điều trị của các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng, huy động y tế tư nhân tham gia; tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của DN, thực hiện 5K của người dân; bảo đảm nguồn lực xét nghiệm, điều trị đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch bệnh…

Huy động y tế tư nhân chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, để chuyển sang trạng thái bình thường mới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thì vai trò của lực lượng công an rất quan trọng trong xử lý các hành vi vi phạm, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" nhằm quản lý người từ nơi khác đến, bảo đảm chi trả các gói hỗ trợ xã hội đúng đối tượng.

Đây là lúc TP Hồ Chí Minh phải nâng cao hơn một mức công tác giám sát y tế, dịch tễ đến từng người dân, từng nhóm đối tượng cần giám sát, như người chưa tiêm vaccine (trẻ em dưới 12 tuổi, người già chống chỉ định tiêm vaccine), người có bệnh nền… và phân công từng trạm y tế, từng tổ phản ứng nhanh theo dõi thường xuyên, thăm khám kịp thời.

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng cần tăng cường xét nghiệm điều tra dịch tễ cộng đồng ở những nơi nguy cơ cao như các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, trong đó lưu ý sự xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2…

Theo Phó Thủ tướng, các quy định phòng, chống dịch phải làm sao để người dân không giấu thông tin bị nhiễm, mà báo ngay cho y tế cơ sở để được xét nghiệm, điều trị từ sớm. Các hướng dẫn về xét nghiệm, xử lý ca nhiễm trong khu công nghiệp cần được cập nhật để các DN có ca nhiễm có phương án vừa xử lý nhanh chóng, hiệu quả mà không làm gián đoạn sản xuất.

Đồng tình với kiến nghị của TP Hồ Chí Minh về kích hoạt lại mạng lưới "thầy thuốc đồng hành" để thăm khám F0 qua mạng kết hợp với chăm sóc y tế tại chỗ, Phó Thủ tướng lưu ý Thành phố cần huy động y tế tư nhân tham gia điều trị F0, nhất là tại cộng đồng theo hướng quân dân y kết hợp ngay từ các trạm y tế lưu động. Thành phố có cơ chế hạch toán chi phí điều trị F0 cho y tế tư nhân giống như y tế công lập, còn phần thu thêm phải có sự đồng ý của người bệnh và công khai, minh bạch

Ngành y tế Thành phố cần chuẩn bị đầy đủ thuốc điều trị để cấp cho F0, bảo đảm oxy y tế; mở rộng mô hình thăm khám qua mạng, cấp phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính tại cơ sở…

Về đề xuất mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố chuẩn bị phương án đón chuyên gia, khách du lịch quốc tế, bà con Việt kiều về thăm quê… phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm, cách ly, nơi lưu trú, khu vực được đi lại... "triển khai an toàn, khoa học, từng bước chắc chắn".

* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, động viên các chuyên gia tư vấn tâm lý tại Phòng Tham vấn và trị liệu tâm lý thuộc Chương trình "Vaccine tinh thần" nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát.

Bắt đầu từ tháng 9/2021, 40 chuyên gia của Phòng Tham vấn trị liệu tâm lý đã tham vấn, trị liệu tâm lý cho khoảng 5.700 người, trong đó có những bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.

Phó Thủ tướng cho rằng trong xã hội công nghiệp, nhất là tại các thành phố lớn, tham vấn và trị liệu tâm lý có vai trò ngày càng quan trọng. Các chuyên gia tâm lý đang góp phần động viên những người gặp các vấn đề về tâm lý liên quan đến dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, tiếp thêm cho họ năng lượng tích cực, niềm tin vào tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước