Trách nhiệm chính trị của người đứng đầu

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 18/01/2023 21:19 GMT+7

VTV.vn - Việc các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhận trách nhiệm chính trị trước Đảng và Nhân dân khi để cán bộ cấp dưới vi phạm, khuyết điểm là việc làm hết sức cần thiết.

Tại cuộc họp ngày hôm qua (17/1), Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và đồng ý để đồng chí Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trách nhiệm chính trị của người đứng đầu - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị: Ảnh: Trí Dũng -TTXVN

Ông Nguyễn Quốc Huy - nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Ban Cơ yếu Chính phủ nhận định: "Tôi thấy việc Trung ương để một đồng chí lãnh đạo chủ chốt thôi tham gia các vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng kể cũng đáng tiếc nhưng đó là cần thiết, thể hiện quy định đầu tiên mà sửa từ 47 thành 37 đó là những người phụ trách cơ quan đơn vị mà cán bộ dưới quyền của mình xảy ra sai phạm thì người phụ trách đó phải chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu. Đó là trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của đảng viên, trách nhiệm của người lãnh đạo phải thực hiện. Tôi nghĩ đó là một quyết định đúng. Việc đồng chí Nguyễn Xuân Phúc xin thôi, trước đó là đồng chí Phạm Bình Minh, đồng chí Vũ Đức Đam và các đồng chí khác cũng vậy. Đây là việc làm tạo cái tiền lệ cho Đảng ta".

Ông Nguyễn Văn Giang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng cho hay: "Vừa rồi có một số đồng chí cán bộ cấp cao nhận trách nhiệm của mình và xin từ chức. Theo tôi, những cái việc này đúng là những việc lớn thật nhưng có thể nói là những việc cần thiết. Nó thể hiện rằng Đảng ta là Đảng chân chính, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một Đảng dấu diếm khuyết điểm là một Đảng hỏng, dũng cảm nhìn vào sự thật để khắc phục. Việc xảy ra với cán bộ cấp cao vừa rồi thì theo tinh thần ấy".

Cũng theo Thông báo trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, đồng chí chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 Bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an - cho hay: "Trên thế giới, trách nhiệm chính trị họ làm thường xuyên, cách đây 7 năm Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản vừa được bổ nhiệm, 10 ngày, ông ấy đi thị sát một địa phương và ông ấy phát biểu một câu sơ hở về luật pháp, trở về Tokyo, ông ta xin từ chức ngay tức khắc. Hàn Quốc, hơn 10 năm một cái cầu sập, Bộ trưởng Bộ Giao thông xử lý ngay. Tôi cho rằng, quy định về trách nhiêm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chúng ta đang làm và xu hướng chúng ta tiếp cận với nền hành chính thế giới là điều rất lành mạnh và tích cực. Tôi nghĩ đảng viên và người dân hết sức ủng hộ, họ thấy rằng chuyển quyết tâm từ Nghị quyết vào đời sống thực tế. Chính cái điều này củng cố lòng tin của đảng viên và người dân với Đảng".

Việc cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhất là những cán bộ giữ cương vị là người đứng đầu nhận trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước Nhân dân khi để cấp dưới có vi phạm rất nghiêm trọng và tự nguyện xin thôi giữ các chức vụ được phân công là việc làm được dư luận ủng hộ. Tinh thần này cần tiếp tục được lan tỏa tới các cấp, ngành và địa phương trong thời gian tới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước