Bắt đầu từ hôm nay (6/11), Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6. Hoạt động chất vấn dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày, từ nay đến ngày 8/11.
Điểm khác biệt tại kỳ họp lần này là Quốc hội sẽ tập trung chất vấn việc thực hiện các cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành, cũng như việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.
Trong ngày 6/11, buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Sau đó, trong thời gian làm việc còn lại của buổi sáng và khoảng 40 phút đầu buổi chiều, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: Kế hoạch và đầu tư; Tài chính; Ngân hàng.
Tiếp đó, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: Công thương; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Giao thông và vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và môi trường.
Phiên chất vấn ngày 6/11 của Quốc hội sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 17h00 để cử tri và Nhân dân theo dõi.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy được hiệu quả
Trước đó, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực được nêu trong 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 1 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và 2 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 3 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XV.
Toàn cảnh Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (Được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14, Nghị quyết số 41/2021/QH15 và Nghị quyết số 61/2022/QH15): Các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy được hiệu quả, nhiều chỉ số quan trọng đã tăng trưởng đáng kể, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đã hoàn thành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công. Công tác thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi đạt được một số kết quả tích cực.
Tuy nhiên, tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp, tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh còn rất chậm. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nợ đầu tư xây dựng cơ bản chưa được khắc phục triệt để. Việc thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho các dự án có quy mô lớn, kết nối hạ tầng liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn ít so với tiềm năng.
Đối với lĩnh vực tài chính (Được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết 134/2020/QH14, Nghị quyết số 62/2022/QH15 và Nghị quyết số 74/2022/QH15): Các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Việc cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý tài sản công được nâng cao; nợ công trong mức cho phép. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến. Việc kịp thời giảm thuế VAT đã giúp người dân bớt gánh nặng chi phí, khuyến khích tiêu dùng, kích cầu kinh tế; việc cải cách quy trình, thủ tục lĩnh vực thuế được quan tâm.
Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công diễn ra khá phổ biến. Việc chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa kịp thời, chưa nghiêm. Hệ thống pháp luật về thuế chậm được sửa đổi.
Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng (Được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 62/2022/QH15): Các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Các giải pháp thu hút ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước được triển khai tích cực. Các hoạt động thanh tra, giám sát được tăng cường, đổi mới. Xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tín dụng tăng trưởng khá hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm. Thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.
Về lĩnh vực công thương (Được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14): Các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoach phát triển điện lực quốc gia đã được ban hành. Các giải pháp bảo đảm cung ứng điện nhằm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội được quan tâm thực hiện. Cơ sở dữ liệu quốc gia về các đập, hồ chứa thủy điện được xây dựng. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, việc ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá còn chậm. Cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thị trường điện; tình trạng cung - cầu điện vẫn còn bất cập. Nhiều dự án thủy điện chưa chấp hành các quy định về xây dựng, quy hoạch, môi trường. Việc xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam và bộ tiêu chí xuất xứ dùng để xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa được ban hành. Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu còn phổ biến. Việc bố trí, huy động các nguồn lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn chưa tương xứng.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (Được yêu cầu thực hiện tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 62/2022/QH15): Các nội dung yêu cầu cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó: Quy hoạch Phòng chống thiên tai và thủy lợi; các Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Đề án "Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030" đã được ban hành. Cả nước đã có 2.297 hợp tác xã nông nghiệp thành lập được doanh nghiệp trong hợp tác xã, 1.718 hợp tác xã đã triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số. Việc đo đạc, cắm mốc ranh giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, việc ban hành các quy hoạch ngành quốc gia còn chậm. Một số chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí về nông thôn mới chưa phù hợp với từng địa phương, vùng, miền; một số văn bản hướng dẫn còn chưa cụ thể hoặc khó thực hiện. Số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số còn thấp. Việc sáp nhập Trạm Thú y triển khai còn thiếu đồng bộ. Việc sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm....
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!