Truyền hình trực tiếp phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an

VTV News-Thứ tư, ngày 10/08/2022 06:00 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

VTV.vn - Phiên chất vấn tại phiên họp thứ 14 của UBTVQH về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 ngày 10/8.

Hôm nay (10/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 2 nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an và lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Vào buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an.

Nhóm vấn đề thứ nhất gồm:

- Công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng; vấn đề an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng đánh bạc, lừa đảo, đưa tin không chính xác, phát tán các video clip phản cảm, độc hại.

- Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, "tín dụng đen", cho vay nặng lãi.

- Việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân; việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt có 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn. Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Phiên chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 ngày 10/8 để cử tri theo dõi, giám sát.

Sẽ sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục "nơi sinh"

Trước phiên chất vấn, Bộ Công an đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Công an.

Về việc cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới, Bộ Công an khẳng định mẫu hộ chiếu mới ban hành kèm theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA đã tuân thủ chặt chẽ các quy định trên và hoàn toàn đáp ứng đúng các tiêu chuẩn quốc tế.

Truyền hình trực tiếp phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an - Ảnh 1.

Thời gian qua, một số nước Châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

Về vấn đề hộ chiếu mới không có thông tin nơi sinh, Bộ Công an cho biết, theo quy định của ICAO, các thông tin khác như nơi sinh tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có. Theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, các thông tin trên hộ chiếu không có nơi sinh. Do đó, trên cơ sở quy định tại khoản 3, Điều 6 và khoản 3, Điều 45, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73/2021/TT-BCA; theo đó mẫu hộ chiếu mới ban hành theo Thông tư không có thông tin nơi sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta trong quá trình nhập cảnh.

Về vấn đề một số nước Châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, Bộ Công an nhấn mạnh, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng của các nước và xác định đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại. Do đó, để giải quyết vấn đề trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia Châu Âu, Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú "nơi sinh" vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị. Về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục "nơi sinh" ở trang nhân thân hộ chiếu (Bộ Công an đang lấy ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao về vấn đề này).

Liên quan tình trạng tin giả, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet, Bộ Công an nêu rõ, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng.

Theo Bộ Công an, các đối tượng triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin... Thủ đoạn phổ biến tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu chính quyền các cấp, mạo danh người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện nóng", các "vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội" để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận.

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã chỉ đạo các Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên mạng xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác đấu tranh với hành vi đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet vẫn chưa tương xứng với thực trạng.

Để công tác đấu tranh phòng, chống tin giả, sai sự thật, tán phát các video phản cảm, độc hại đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Quản lý chặt chẽ thông tin trên Internet và mạng xã hội; Chủ động bám sát diễn biến tình hình, nhất là các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp có nguy cơ bị các đối tượng khai thác để tạo dựng, tán phát, chia sẻ thông tin giả mạo, tin sai sự thật; Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện...

Nhiều người dùng Internet nghĩ “vô danh nên vô trách nhiệm”, không sợ bị xử lý Nhiều người dùng Internet nghĩ “vô danh nên vô trách nhiệm”, không sợ bị xử lý

VTV.vn - Bộ Công an nhận định, hiệu quả công tác đấu tranh với hành vi đưa tin giả, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet vẫn chưa tương xứng với thực trạng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước