Ngày bầu cử đang tới gần. Hiện nay, các cuộc vận động bầu cử chỉ được tổ chức với 50% số ghế ngồi tại hội trường. Điều này có nghĩa số lượng cử tri tham dự các cuộc tiếp xúc với ứng cử viên phải giảm. Với TP Hồ Chí Minh, kế hoạch tổ chức gần 300 các cuộc tiếp xúc cũng bị ảnh hưởng.
Làm thế nào để đảm bảo số lượng cử tri tham gia các cuộc tiếp xúc theo đăng ký, thông tin về các ứng cử viên được lan tỏa rộng khắp, công bằng, đồng thời vẫn đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch?
Dù chỉ ở 1 điểm cầu, cuộc tiếp xúc với các ứng cử viên đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh đơn vị 12 nhưng ông Nguyễn Văn Ca vẫn được tham gia phát biểu như cử tri tại hội trường Quận ủy.
Điểm cầu tại UBND phường 10 là 1 trong 16 điểm tiếp xúc trực tuyến mà Quận 11 tổ chức. Vì thế, dù hội trường chỉ có 50 người do thực hiện giãn cách nhưng tổng số cử tri tham gia vượt qua con số 300.
Đây cũng là cách để 1.200 cử tri Quận 7 gặp gỡ, lắng nghe các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đơn vị số 9. Dù thời gian gấp gáp để chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến nhưng các cuộc tiếp xúc vẫn đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.
Còn tại Quận 12, tính công bằng trong thông tin vận động được thể hiện bằng việc sử dụng robot đọc tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên trên chuyên trang điện tử về bầu cử. Thông tin này có thể truy cập dễ dàng trên điện thoại di động không giới hạn thời gian, không gian. Mới nhất, chuyên trang đã bổ sung thêm tính năng đặc biệt nữa.
Uỷ ban bầu cử TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi địa phương việc tiếp xúc cử tri và mạn đàm tiểu sử ứng cử viên tại các khu phố sẽ được tổ chức dưới hình thức phù hợp vừa đảm bảo đúng quy định của Luật Bầu cử, vừa đảm bảo an toàn trước dịch bệnh.
Sở Thông tin truyền thông TP Hồ Chí Minh cũng đã sẵn sàng hỗ trợ công nghệ cho các quận, huyện để mục tiêu hoàn thành các công việc cuối cùng chuẩn bị cho ngày bầu cử 23/5 đúng hạn, đúng trình tự, công bằng và minh bạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!