Việt Nam hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực

Ngọc Hà, Thanh Xuân, Văn Công (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 13/02/2016 21:27 GMT+7

VTV.vn - Năm 2016, Việt Nam đang đẩy mạnh cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm mang đến một lực đẩy đảm bảo cho quyền lực Nhà nước được sử dụng đúng mục đích.

Năm 2015, khái niệm "kiến tạo phát triển" bước đầu đã thúc đẩy những cải cách mạnh dạn để bộ máy Nhà nước thật sự phục vụ cho phát triển kinh tế. Trong năm 2016, khái niệm "kiểm soát quyền lực" đang được chờ đợi là sẽ mang đến một lực đẩy đảm bảo cho quyền lực Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, thực thi có hiệu quả và hạn chế lạm quyền theo tinh thần của văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, 56.000 Đảng viên trong toàn Đảng bị xử lý kỷ luật và xoá tên, cho ra khỏi Đảng hàng nghìn trường hợp khác. Con số này cho thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo đã mưu cầu lợi ích cá nhân. Cũng trong nhiệm kỳ khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định tái lập Ban kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương - các cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Đây là những ví dụ cụ thể nhất cho thấy hiệu quả của kênh kiểm soát, giám sát trong điều kiện một đảng cầm quyền ở Việt Nam thời gian qua.

Việc Quốc hội khoá XIII và Hội đồng nhân dân các cấp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn được đánh giá đã góp phần giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Qua việc lấy phiếu tín nhiệm, nhân dân đã đánh giá chính xác hơn năng lực và trách nhiệm của những người lãnh đạo.

Việc kiểm soát quyền lực Nhà nước lần đầu tiên đã được nêu trong Cương lĩnh 2011 của Đảng và thể chế hóa trong bản Hiến pháp bổ sung sửa đổi năm 2013 cũng như nhiều đạo luật mới được thông qua gần đây. Văn kiện tại Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh tới việc xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực Nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực Nhà nước là thống nhất cũng như xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền.

Cương lĩnh của Đảng, hệ thống luật pháp được ban hành thời gian gần đây đã cho thấy, cơ chế kiểm soát quyền lực đang tiếp tục được hoàn thiện. Cơ chế kiểm soát này sẽ góp phần hạn chế sự tha hoá, tham nhũng và lợi ích nhóm do quyền lực bị lạm dụng và dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như đã từng xảy ra trong nhiều vụ án tham nhũng lớn thời gian gần đây.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước