Ông Nguyễn Thanh Long có thể sẽ bị xử lý kỷ luật về hành chính theo hướng bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo quy định của pháp luật, một đại biểu Quốc hội chỉ bị bãi nhiệm tư cách khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân. Có hai quy trình bãi nhiệm tư cách đại biểu quốc hội, hoặc là Quốc hội bãi nhiệm hoặc cử tri yêu cầu bãi nhiệm. Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Long, khi đã bị Trung ương Đảng kết luận là …"suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế"... nhiều khả năng sẽ bị Quốc hội bãi nhiệm.
Các bước cụ thể để bãi nhiệm một đại biểu Quốc hội như sau: Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội Tờ trình về bãi nhiễm đại biểu Quốc hội; Quốc hội tiến hành thảo luận; nghe giải trình của người bị đề xuất bãi nhiệm, bỏ phiếu thông qua đề xuất bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Nếu được ít nhất 2/3 đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội.
Về chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế, khi có tờ trình của Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn việc cách chức ông Nguyễn Thanh Long.
Sáng nay, 7/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp. Theo đó, sáng nay, Quốc hội sẽ bàn công tác nhân sự. Vấn đề xử lý hành chính với ông Long có thể được nêu trong phiên họp này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!