Chiếc tàu cá vỏ gỗ công suất lớn 500CV được ngư dân Nguyễn Lợi đóng năm ngoái. Nhưng khi biết về chương trình cho vay vốn đóng tàu sắt, ông vẫn hăng hái đăng ký. Dù tin tưởng đi vay và sẽ là chủ của 1 trong 5 chiếc tàu sắt đầu tiên trên huyện đảo Lý Sơn được triển khai đóng mẫu, ông vẫn băn khoăn về thiết kế của con tàu. Đặc trưng nghề đi biển của ngư dân Lý Sơn là ướp cá bằng đá sau khi đánh lên. Vì thế, chiếc khoang chứa có trang bị hệ thống làm lạnh có tốt hơn tàu gỗ hay không là điều họ quan tâm trước nhất.
Thuyền trưởng Phạm Văn Vương ở huyện Bình Sơn cũng đang có ý định đóng tàu. Dù biết tàu vỏ thép được Nhà nước cho vay ưu đãi hơn, nhưng anh vẫn tính vay vốn đóng tàu gỗ. Một phần vì 12 năm đi biển của anh là 12 năm nắng gió cùng con tàu gỗ, một phần vì chưa có cảng neo đậu đủ lớn, chưa có nơi sửa chữa tàu. Đóng về không biết neo ở đâu, nếu không may hỏng hóc gì cũng không biết làm sao sửa.
Anh Phạm Văn Vương, ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Bến chật quá, nên tôi chỉ vay vốn đóng tàu gỗ. Nếu đóng tàu sắt về vốn liếng nhiều, phí tổn cũng nhiều cho một chuyến đi biển".
Tàu vỏ thép không chỉ khác tàu gỗ quen thuộc về chất liệu. Tất cả thiết bị đi kèm cũng khác. Chi phí đóng theo bà con cao gần gấp đôi, khoản vay vì thế cũng gấp đôi, hiệu quả chưa dám chắc chắn, bà con còn phân vân khi đóng tàu về, ai sẽ hướng dẫn mình cách sử dụng.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Doanh nghiệp nào tổ chức hợp đồng đóng tàu cho ngư dân phải có chi phí tập huấn đào tạo cho ngư dân. Nếu doanh nghiệp không tổ chức được thì chính quyền địa phương nên hỗ trợ tập huấn cho bà con".
Hỏi bà con ngư dân Quảng Ngãi về chủ trương đóng tàu thép, nhiều người vẫn nhắc đến Quyết định 1787 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thí điểm hỗ trợ đóng tàu vỏ thép khai thác xa bờ mới đây chỉ 1-2 năm và coi đó như một bài học về sự chưa hiệu quả trong phát triển đội tàu loại này. Bà con vẫn lấy những con tàu nằm bờ đó như ví dụ rõ nhất cho sự ngại ngần của mình.