Báo động tình trạng nước sinh hoạt nhiễm amoni tại Hà Nội

PV-Thứ ba, ngày 09/07/2019 13:25 GMT+7

VTV.vn - Bản thân amoni không phải là chất quá độc với cơ thể con người. Tuy nhiên, amoni có thể chuyển hóa thành chất gây ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Theo khảo sát của các nhà khoa học thì phần lớn nước ngầm ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam hay Hải Dương đều bị nhiễm amoni rất nặng, vượt tiêu chuẩn của bộ y tế rất nhiều lần. Riêng tại Hà Nội, khu vực Hà Đông mức độ nước nhiễm amoni là cao nhất.

Bản thân amoni không phải là chất quá độc với cơ thể con người. Tuy nhiên, amoni có thể chuyển hóa thành chất gây ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác, vì vậy, cần phải có biện pháp thay thế nguồn nước nhiễm bẩn mà người dân đang sử dụng. 

Một điển hình của việc nước sinh hoạt nhiễm amoni tại Hà Nội là khu chung cư The Vesta, Hà Đông. Người dân tại đây cho biết, nước có những hiện tượng như sử dụng để luộc thịt đến 30 phút, thịt vẫn đỏ tươi như còn sống. Đơn vị cung cấp nước cho chung cư này là Công ty Nước sạch Hà Đông. Bản thân lãnh đạo nhà máy cũng thừa nhận, vì nguồn nước đầu vào là nước ngầm nên việc amoni vượt ngưỡng là không tránh khỏi và doanh nghiệp đang nỗ lực để khắc phục điều này. 

“Việc amoni có trong nước ngầm thì mọi người đều đã biết là có. Trong dây chuyền công nghệ của công ty nước sạch Hà Đông đã đầu tư thêm hệ thống bể lắng lamen để thông qua đó, nuôi cấy vi sinh để xử lý amoni, nhằm đưa mức amoni về tiêu chuẩn nước sạch sinh hoạt của Bộ Y Tế.” – ông Vũ Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Đông cho biết.

Báo động tình trạng nước sinh hoạt nhiễm amoni tại Hà Nội - Ảnh 1.

Đơn vị cung cấp nước cho biết sử dụng nguồn nước đầu vào là nước ngầm việc nhiễm amoni là khó tránh khỏi

Nước máy khi về đến vòi của từng hộ gia đình nhìn không còn dấu hiệu gì của nước bẩn, không màu, không mùi, không vị, tuy nhiên, lẽ vậy, mức độ nguy hiểm càng cao hơn. Và lúc này, người dân chỉ có thể tự xoay sở để cứu mình. 

Đối với các hộ dân tại chung cư này, việc tự đầu tư vào máy lọc tổng tại gia tiêu tốn từ 7-10 triệu đồng, màng lọc RO từ 5-6 triệu và các kinh phí định kỳ thay lõi lọc. Dù rất tốn kém nhưng đây là phương án hiện tại họ dùng để “tự cứu bản thân” trước khi họ thực sự có được nguồn nước thực sự sạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước