Báo động vi phạm đạo đức nhà giáo: Băn khoăn về tuyển dụng giáo viên

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 11/03/2019 13:28 GMT+7

VTV.vn - Nghi án dâm ô, gạ tình, quan hệ không trong sáng liên quan đến những "người đưa đò" xảy ra đầu năm 2019 khiến dư luận phẫn nộ, suy giảm niềm tin.

Năm 2018 vừa khép lại với đầy "bão giông" sau hàng loạt sự cố của ngành giáo dục với những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức nhà giáo như xâm hại, bạo hành học sinh. Ngay đầu năm 2019, những nghi án dâm ô, gạ tình, quan hệ không trong sáng liên quan đến "người đưa đò" lại tiếp tục xảy ra khiến dư luận phẫn nộ.

Nghi án về tin nhắn gạ tình của thầy giáo Trường THPT Chuyên Thái Bình gửi nữ sinh lớp 10; vụ việc thầy giáo sờ mông, sờ đùi, véo tai học sinh lớp 5 ở Bắc Giang... khiến dư luận những ngày qua dậy sóng về tình trạng vi phạm đạo đức của giáo viên. Trước đó, nhiều giáo viên cũng nhẫn tâm đánh đập, có những hình phạt học sinh đến mức gây thương tích.

Bộ GD-ĐT đã ban hành các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo như như Thông tư 20/2018 về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, hay Quyết định số 16/2008 Ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo. Tuy nhiên trước các vụ việc thực tế, người ta buộc phải băn khoăn về khoảng trống trong giáo dục đạo đức cho giáo viên.

"Tại sao giáo viên lại như thế?", "Làm như thế mà lại là giáo viên được à?"  Dồn dập những hành vi thiếu chuẩn mực, phản giáo dục của chính những người thầy, người cô đang đứng trên bục giảng càng xoáy sâu trăn trở: Đâu là bất cập trong công tác tuyển dụng giáo viên khiến cho sạn to vẫn cứ lọt sàng? Đối chiếu vào thực tế các kỳ tuyển dụng giáo viên trong năm vừa qua, trăn trở trên có cơ sở khi xuất hiện nhiều vụ khiếu kiện, nghi vấn ồn ào xung quanh tuyển dụng viên chức giáo viên.

Tại Quảng Ngãi, bất thường trong kỳ thi tuyển giáo viên đã buộc Sở Nội vụ của tỉnh này phải thực hiện chấm thẩm định. Kết quả của nhiều thí sinh thay đổi. Theo đó, có tới 67 thí sinh đã "trúng hụt" trong kì thi này.

Tại Thanh Hóa, Sở Nội vụ cũng phải vào cuộc xác minh, kiểm tra lại toàn bộ quy trình tổ chức thi xét tuyển viên chức ngành giáo dục ở huyện Thường Xuân vì xuất hiện điểm bất thường khi 3 thí sinh cùng tăng 40 điểm sau lần thông báo thứ hai.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tuyển dụng giáo viên còn bộc lộ nhiều sai sót, bất thường như vậy do đến nay, giáo dục dù luôn được coi là một lĩnh vực đặc thù nhưng lại chưa từng có một cơ chế tuyển dụng riêng với các tiêu chí đánh giá riêng. Bởi theo quy định hiện hành, tại hầu hết các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở hay phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên.

Tại Điều 58 Luật Giáo dục hiện cho phép: Nhà trường có những nhiệm vụ và quyền hạn: Tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, bất cập là Điều 24 Luật Viên chức lại quy định: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng. Cơ chế tuyển dụng chưa cho phép ngành giáo dục tham gia sâu cũng lý giải: vì sao trong nhiều kì tuyển dụng kết quả thi tuyển không đánh giá sát năng lực của giáo viên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước