Toàn thế giới hiện có trên 1,65 tỷ người dùng Facebook, hơn 1/3 dân số Việt Nam, khoảng 35 triệu người cũng đang dùng Facebook. Những con số ấn tượng này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là vấn đề bảo mật thông tin. Và đây chính là cơ sở để những kẻ cơ hội thực hiện hành vi giả mạo nhằm lừa đảo và trục lợi người dùng.
Hiện rất khó chỉ ra chính xác những nhóm tài khoản bị giả mạo nhiều nhất, tuy nhiên, chỉ cần là một tài khoản được cộng đồng người dùng quan tâm, có sức ảnh hưởng, thì sẽ có những phiên bản giả mạo.
Khi đã đánh lừa được người dùng, các trang giả mạo này bắt đầu đăng tải những nội dung lừa đảo, câu view. Điều đáng nói, nhiều quản lý nghệ sỹ cho biết, báo cáo vi phạm với trang giả mạo này nhiều trang khác lại mọc lên, tiếp tục sử dụng các thủ đoạn tinh vi để lừa đảo người dùng.
Theo Nghị định 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, cá nhân hay tập thể có hành vi giả mạo sẽ bị phạt hành chính từ 20 triệu đến 30 triệu đồng và sẽ bị truy tố hình sự nếu tái phạm hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên ở Việt Nam, theo thống kê của công ty an ninh mạng BKAV, mỗi ngày có khoảng 40 tài khoản Facebook giả mạo được lập nên để nhằm các mục đích lừa đảo, trục lợi từ người dùng.
Theo một số luật sư, quy định của pháp luật Việt Nam về việc xử lý các trường hợp giả mạo đã có. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, điều này khó có thể áp dụng được, bởi người bị hại ít khi lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của mình, còn người dùng lại thờ ơ trước sự giả mạo tràn lan.
Trên thế giới, đã có một số nước tiến hành truy tố các đối tượng làm giả Facebook để trục lợi. Bản thân Facebook cũng đã từng tự tay xóa bỏ hàng trăm ngàn tài khoản giả, tài khoản ảo mà các công cụ của họ dò ra được.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!