Chinh phục Mặt Trăng - Cuộc so găng của các cường quốc

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 18/07/2019 14:39 GMT+7

VTV.vn - Nửa thế kỷ trước, chinh phục không gian gần như là cuộc đua "song mã" giữa Mỹ và Liên Xô thì năm 2019 đánh dấu sự "cựa mình" của nhiều quốc gia khác.

Mặt Trăng cách Trái Đất hơn 384.000 km nhưng hành tinh này ngày càng gần gũi và quen thuộc hơn nhờ khoa học và mơ ước chinh phục không gian chưa bao giờ tắt của con người. 50 năm trước, tàu vũ trụ Apollo 11 đã rời Trái Đất, mang theo những nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, đánh dấu một cột mốc vĩ đại trong lịch sử khám phá vũ trụ của nhân loại.

Để thực hiện sứ mệnh lịch sử đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 1969, hơn 400.000 con người đã dốc hết tâm sức và trí tuệ trong hơn 1 thập kỷ. Tuy nhiên, hành trình khi ấy vẫn tiềm ẩn rủi ro đến mức không một phi hành gia nào có thể mua bảo hiểm. Các thành viên phi hành đoàn Apollo 11 đã ký vào hàng trăm chiếc bì thư và gửi đi, với hy vọng rằng chữ ký của họ về sau sẽ có giá trị và mang lại một khoản tiền cho người thân nếu như họ chẳng may, họ vĩnh viễn không trở về. Chính phủ Mỹ thậm chí còn soạn trước một bản diễn văn chia buồn cho một "Thảm họa Mặt Trăng" có thể xảy ra. Rất may, phải 30 năm sau nó mới được công bố.

Cuộc phóng tàu Apollo ngoài mục đích khám phá khoa học còn đánh dấu sự cạnh tranh giữa hai siêu cường Liên Xô cũ và Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các chương trình thám hiểm không gian trở thành biểu tượng cho sức mạnh quân sự của mỗi bên. Để chiếm ưu thế, cả hai nước đều cố gắng giành chiến thắng trong cuộc đua chinh phục không gian.

Những ngày đầu tiên của năm 2019, Trung Quốc đã cho hạ cánh thành công tàu thăm dò Hằng Nga 4 xuống vùng tối của Mặt Trăng. Với sự kiện chấn động này, Trung Quốc ghi tên mình là quốc gia đầu tiên trong lịch sử đổ bộ lên vùng tối của Mặt Trăng.

Nhưng hơn hết, thành tựu này khiến cả Mỹ và Nga - hai cường quốc công nghệ vũ trụ đều trở thành chậm chân trước Trung Quốc. Một cuộc đua mới lên Mặt Trăng trong thế kỷ 21 đã bắt đầu, đánh thức nhiều quốc gia đang nóng lòng khám phá vũ trụ hơn bao giờ hết và cũng châm ngòi cho cuộc đua giành vị trí siêu cường trên vũ trụ.

Nếu như nửa thế kỷ trước đây, chinh phục không gian gần như là cuộc đua "song mã" giữa Mỹ và Liên Xô, thì năm 2019 này đánh dấu sự "cựa mình" của nhiều quốc gia khác trong phát triển công nghệ hàng không, vũ trụ. Có thể kể đến vài cái tên như Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc.

So với Mỹ và Nga, Trung Quốc có thể xuất phát muộn, nhưng tốc độ phát triển chương trình không gian của nước này rất nhanh. Bắc Kinh đã đầu tư hàng chục tỷ USD với mục tiêu tiếp theo là tiến hành sứ mệnh Mặt Trăng có người lái vào năm 2030.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia cùng ấp ủ tham vọng chinh phục vũ trụ. Bên cạnh việc phô trương các thành tựu công nghệ, các nước còn đang nỗ lực thăm dò khả năng cho các nhiệm vụ không gian ưu việt hơn. Tính đến cuối năm ngoái, đã có 1.957 vệ tinh bay quanh Trái Đất. Riêng Mỹ chiếm gần 43% số đó, theo sau là Trung Quốc và Nga. Số lượng vệ tinh dày đặc khiến những nỗ lực phòng thủ không gian thêm phức tạp. Điều này đang khiến ngày càng nhiều chính phủ đưa vấn đề phòng thủ vũ trụ vào trong các chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng đề cập viễn cảnh vũ trụ trở thành một chiến địa mới. Điều này thúc giục cả Mỹ và Pháp thành lập Bộ chỉ huy Không gian nhằm tăng cường hoạt động của quân đội ở phạm vi ngoài vũ trụ. Trước nguy cơ quân sự hóa không gian, EU từng nỗ lực thúc đẩy một "luật mềm" về hoạt động không gian quốc tế.

Trở lại Mặt Trăng đang là ưu tiên số một bởi hành tinh này vẫn còn quá nhiều tiềm năng khai thác. Hành tinh này là nơi cung cấp dồi dào các tài nguyên quý hiếm mà quan trọng nhất là Helium-3. Đây là nguồn nguyên liệu hoàn hảo có thể thay thế dầu mỏ lẫn khí đốt. Trong tương lai, Mặt Trăng còn có thể trở thành "trạm không gian" để thực hiện các sứ mệnh khám phá vũ trụ sâu hơn.

Cuộc đua vũ trụ hiện nay không chỉ là sân chơi dành cho các chính phủ. Đang có khoảng 10 doanh nghiệp tư nhân, trong đó có SpaceX của tỷ phú Elon Musk, hay Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos... đã tham gia cuộc đua phát triển du lịch vũ trụ, tiến tới đưa con người lên Mặt Trăng sinh sống và tương lai là sao Hỏa.

Thành tựu đạt được từ năm 1969 cho thấy việc hạ cánh lên Mặt Trăng hoàn toàn khả thi. Nhưng thực tế, đã 50 năm trôi qua, kỳ tích ấy vẫn chưa được tiếp nối hoặc ít nhất là tái hiện, dù công nghệ đã hiện đại hơn rất nhiều.

Năm 2007, hãng công nghệ Google sẵn sàng tài trợ 20 triệu USD cho tổ chức tư nhân đầu tiên có thể đưa tàu đổ bộ tự hành lên Mặt Trăng. Nhưng dù đã được gia hạn đến tận năm ngoái, giải thưởng Google Lunar X vẫn chưa bao giờ tìm được chủ nhân. Khó khăn về chi phí và kỹ thuật là các yếu tố khiến tham vọng quay lại Mặt Trăng đến hiện tại vẫn không dễ dàng.

30 tỷ USD là khoản tiền khổng lồ dự kiến cho một sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng khác. Ngay cả với Mỹ, quốc gia dù đã quyết tâm lập lại kỳ tích ấy sau 5 năm nữa, thì quá trình này vẫn còn phụ thuộc vào chuyện chi phí trên sẽ huy động từ đâu.

Bên cạnh đó, vào sứ mệnh năm 1969, NASA đã đi con đường ngắn nhất có thể bởi mục tiêu lớn nhất khi ấy là để vượt qua Liên Xô trong cuộc đua ra ngoài không gian. Nhưng thực tế, vẫn cần nhiều hơn những cuộc thám hiểm, thu thập thông tin cho chặng đường khám phá vũ trụ tương lai.

Một cuộc đua mới lên Mặt Trăng đã bắt đầu, nhưng động lực đằng sau lại lớn hơn câu chuyện của nửa thế kỷ trước. Kế hoạch giờ đây hiển nhiên sẽ không dừng lại ở những cuộc ghé thăm chớp nhoáng với chi phí đắt đỏ, mà phải là quay trở lại Mặt Trăng lâu dài. Với sự phát triển của công nghệ và ước mơ khám phá chưa bao giờ chấm dứt, nhiệm vụ này sẽ dành cho những nhà du hành thế hệ kế tiếp. 

Đấu giá kỷ vật chuyến thăm đầu tiên lên Mặt trăng của con người Đấu giá kỷ vật chuyến thăm đầu tiên lên Mặt trăng của con người

VTV.vn - Ngày 18/7 tới, Christie's sẽ tổ chức sự kiện đấu giá khoảng 200 kỷ vật tại thành phố New York, Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước