Chứng thực nguồn gốc tranh đang nghi vấn giả mạo trên sàn đấu giá Sotheby's

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 20/09/2019 13:24 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù có giá trị lớn, song nguồn gốc các tác phẩm của danh họa Việt Nam trên sàn đấu giá Sotheby's đang là dấu hỏi lớn với những người sưu tầm và yêu mến hội họa.

Mới đây, nhà đấu giá Sotheby's - Hong Kong (Trung Quốc) đã đăng tải công khai tác phẩm của các danh họa Việt Nam là Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn trên trang web để các nhà sưu tầm và người yêu tranh tham khảo trước khi đưa lên sàn bán đấu giá. 

Trang Sotheby's cho biết, trong phiên đấu giá diễn ra vào ngày 6/10, sàn đấu giá này sẽ bán ra bức Lá thư của danh họa Tô Ngọc Vân với giá khởi điểm từ 800.000 - 1.500.000 HKD. Tranh lụa Hai cô gái của Trần Văn Cẩn có giá khởi điểm từ 60.000 - 90.000 HKD. Thế nhưng, với con mắt của những người làm nghề, giới họa sĩ Việt đã đặt ra nghi vấn sàn đấu giá này đưa tranh giả, tranh chép của các họa sĩ Đông Dương ra thị trường mỹ thuật quốc tế.

Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi được cho đang lưu giữ 2 tác phẩm gốc Hai cô gái trước bình phong của họa sĩ Trần Văn Cẩn và bức Lá thư của họa sĩ Tô Ngọc Vân, ông Lê Quốc Huy, Trưởng phòng Nghiên cứu Sưu tầm cho biết: "Tác phẩm Bức thư của họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam chuyển về cho Bảo tàng Mỹ thuật vào tháng 8/1964. Tác phẩm Hai thiếu nữ trước bình phong của họa sĩ Trần Văn Cẩn đã được bảo tàng sưu tầm vào năm 1970, với giá mua lúc bấy giờ là 300 đồng. Chúng tôi có đầy đủ thông tin về hai tác phẩm này".

Rất nhiều họa sĩ trong giới đã bức xúc lên tiếng về vấn nạn giả mạo tranh. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên sàn đấu giá này vướng vào lùm xùm tranh giả mạo của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam. Phóng viên tiếp tục tìm đến nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, bà cũng chính là cán bộ phụ trách việc sưu tầm tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trước kia.

Họa sĩ Nguyễn Hải Yến, Nhà phê bình mỹ thuật cho biết: "Chính tôi là người đi mua tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn từ một tư nhân ở phố Bà Triệu. Khi mua về, rất may mắn, lúc đó họa sĩ Trần Văn Cẩn đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật và tôi đã nhờ ông đến bảo tàng để giám định lại có phải bức tranh này của ông không. Họa sĩ Trần Văn Cẩn đã xác định đó là tranh của ông và ông vẽ bức tranh này vào năm 1943".

Còn với tác phẩm của họa sĩ Tô Ngọc Vân, chính con trai của ông - họa sĩ Tô Ngọc Thành khẳng định rằng, bức họa đang được sàn đấu giá Sotheby's đăng tải là tác phẩm nhái.

Nghi vấn tranh giả trên sàn đấu giá tranh Sotheby"s Nghi vấn tranh giả trên sàn đấu giá tranh Sotheby's

VTV.vn - Giới họa sĩ Việt nghi vấn sàn đấu giá Sotheby’s Hong Kong đưa tranh giả, tranh chép của các họa sĩ Đông Dương ra thị trường mỹ thuật quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước