Từ 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong Luật này là cấm triệt để việc điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người. Cụ thể, đối với người điều khiển xe máy, nếu như trước đây, nồng độ cồn cho phép là 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở thì với quy định trong luật mới, nồng độ cồn phải ở mức 0.
Đồng tình, hoàn toàn ủng hộ là ý kiến của đại đa số người dân khi được hỏi về quy định tuyệt đối không sử dụng rượu bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, 1 tuần trước khi luật có hiệu lực, 11h một ngày giữa tuần, bãi xe quán bia đã chật và bàn kín người. Tay nâng ly rượu, tay cầm cốc bia là lựa chọn của nhiều bàn nhậu.
Chỉ trong 1 tiếng nâng lên, hạ xuống, nhóm đã uống hết 1 chai rượu 750ml và tầm 5 cốc bia mỗi người. Sau cuộc nhậu, họ vẫn tham gia giao thông bằng xe máy với gương mặt đỏ bừng vì chất cồn.
Theo thống kê của Cục CSGT, chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2019, gần 84.000 trường hợp người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, hơn 80.000 trường hợp là sử dụng xe máy. Rõ ràng, để thay đổi con số này, khi luật đi vào thực tiễn sẽ là cả một chặng đường. Bởi thực tế, ngay quy định đã uống rượu bia thì không lái ô tô từ cách đây hơn 10 năm vẫn đang trống khuyết trong ý thức của nhiều người.
Vậy là tại những quán nhậu, mỗi ngày, bất kể trưa hay tối, những khay cốc cứ được bê ra rồi lại bê vào chỉ khác là khi bia đã cạn. Khẩu hiệu "Đã uống rượu bia thì không lái xe" vẫn chưa kịp chuyển từ ý thức thành hành vi trong một bộ phận người dân, thậm chí, còn dẫn tới một hành vi hoàn toàn khác là chống đối người thi hành công vụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!