Tiền giả được rao bán rất nhiều trên mạng Internet. Tiền giả cũng có mặt ở các giao dịch đôi khi chúng ta không thể nhận biết được. Từ đâu, tiền giả lại có thể xuất hiện nhiều đến như vậy? Bằng cách nào mà tiền giả được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường Việt Nam?
Cuốn trong khăn tắm là cách ngụy trang cẩn thận mà đối tượng trong vụ vận chuyển tiền giả mới bị bắt giữ sử dụng để mang 60 triệu đồng tiền giả mệnh giá 200.000 đồng đi tiêu thụ sau khi mua từ một chủ hàng ở bên kia biên giới. Đáng nói, đối tượng tiêu thụ tiền giả này hiện đang là giám đốc của một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn Hà Nội.
Đây chỉ là một trong hàng loạt vụ triệt phá buôn bán vận chuyển tiền giả trên địa bàn Lạng Sơn trong thời gian vừa qua, trong đó, phổ biến nhất hiện nay là tiền mệnh giá 200.000 đồng. Dù tình trạng mua bán tiêu thụ tiền giả không mới, tuy nhiên, điều lo ngại hơn là công nghệ sản xuất tiền giả chất liệu polymer từ nước ngoài ngày càng tinh vi hơn.
Qua các vụ án triệt phá, thông thường cứ 1 triệu đồng tiền thật, các đối tượng sẽ mua được 4-5 triệu đồng tiền giả, tùy theo từng loại. Nếu tiêu thụ trót lọt, lợi nhuận thu về gấp 4-5 lần nên các đối tượng vẫn bất chấp vòng lao lý và tù tội để mua bán tiền giả dưới nhiều hình thức.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, các tụ điểm cất giữ tiền giả đều nằm ở bên kia biên giới, cách đường mòn biên giới không xa như Lũng Vài, Pò Chài, Bằng Tường… khiến loại tội phạm này đang diễn biến ngày càng phức tạp và việc triệt phá các vụ buôn bán vận chuyển tiền giả vào nội địa tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!