Hoang hóa, dột nát…, đình Thần Quy hơn nghìn năm tuổi luôn trong tình trạng đóng kín cửa và chờ sập. Hệ thống cột nhà, kèo, xà ngang đã bị mối mọt, đứng trong nhà nhìn qua phần mái có thể nhìn thấy cả bầu trời.
Giờ, thứ còn nguyên vẹn nhất trong ngôi đình là tấm bằng công nhận di tích. Bất lực trước di tích sắp sụp đổ, người dân chỉ còn biết nâng niu tấm bằng này. Nhưng liệu nó còn giá trị gì nếu ngôi đình bị sập?
Tại đây, lăng mộ Quận công Phạm Mẫn Trực, một công trình đá được điêu khắc tinh xảo của đầu thế kỷ 18 nhưng đang trong nguy cơ bị sụp đổ. Nhà bi đình bị rạn nứt, sụt lún. Bức tường đá ong vốn cao 150cm, nay chỉ còn nhô lên mặt đất chừng 40cm.
Những khung sắt đã được người dân làm để chống đỡ tạm thời cho khu bia đình không bị sập. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do khối đá nặng đang nở ra và rơi vỡ nhiều phiến, nên việc bảo quản như vậy thực chất lại làm căng khối đá, khiến bia đình có thể vỡ tung nhanh hơn.
Đó chỉ là một trong số ít những di tích đã xuống cấp mà phóng viên đã ghi nhận được tại địa phương. Được biết, tại Hà Nội, trong gần 6.000 di tích được xếp hạng, có hơn 1.200 di tích đang trong tình trạng xuống cấp và 200 di tích đang nằm trong báo động đỏ chờ sập. Công tác trùng tu khẩn thiết hơn bao giờ hết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!