Toà chung cư của ông Nguyễn Duy Thọ (số 47 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) có hướng nhìn xuống cả khu Cao - Xà - Lá, bao gồm nhà máy Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội và Nhà máy Thuốc lá Thăng Long. Đây vốn là khu nằm trong diện phải di dời nhưng quyết định đến khi nào di dời người dân không nắm được. Vì vậy, thường ngày người dân vẫn phải sống chung và hứng chịu khói bụi từ các nhà máy này.
Còn Nhà máy Dệt Kim Đông Xuân tại quận Hai Bà Trưng nằm "lọt thỏm" giữa khu vực phát triển bậc nhất của thủ đô, với hàng loạt khu đô thị mới mọc lên. Người dân đã nhiều lần được nghe tới các kế hoạch di dời nhà máy nhưng đến nay vẫn đâu vào đó.
Theo báo cáo năm 2018 của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã đã phát hiện 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Sở cũng kiểm tra để xây dựng lộ trình, biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để tại các khu vực. Tuy nhiên, đến thời điểm này số nhà máy di dời rất ít hoặc chỉ di dời một phần.
Theo các chuyên gia, việc các nhà máy, cơ sở sản xuất nằm giữa khu dân cư tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông đã cho thấy điều đó bởi vậy, di dời các nhà máy đang hết sức cấp bách vào thời điểm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!