Sau vụ việc người biểu tình ủng hộ Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq hôm 31/12 vừa qua, Washington đã điều động thêm binh lực để đảm bảo an ninh cho các lợi ích của nước Mỹ ở quốc gia Trung Đông này. Tình hình tại Iraq lại càng căng thẳng hơn, sau khi Mỹ không kích khiến tướng Iran Qassem Soleimani thiệt mạng ở bên ngoài sân bay Baghdad hôm 3/1 vừa qua. Tiếp đó là các vụ phóng tên lửa trả đũa của Iran nhằm vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.
Theo CNN, Lầu Năm Góc sẽ điều động thêm khoảng 3.000 lính Mỹ tới Trung Đông trong vài ngày tới, ngoài 750 lính thủy đánh bộ được triển khai tức thời tới Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad ,sau vụ người biểu tình ủng hộ Iran tấn công vào khu vực này hôm 31/12. Trong khi đó, Mỹ vẫn khẳng định Iran đứng sau cuộc biểu tình này. Như vậy, Iraq ở giữa, chưa có cách nào để kiềm chế hai cái đầu đang nóng.
Thế nhưng, ngay chính phủ Iraq cũng đã thể hiện sự bất bình, khi quân đội Mỹ tiến hành các cuộc không kích tại nước này và Syria, nhằm vào nhóm vũ trang Hashd al-Shaabi. Mỹ cho rằng nhóm này đã gây ra loạt vụ tấn công rocket vào một căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Iraq gay gắt phản đối, bởi Hashd al-Shaabi là một lực lượng tham gia cuộc chiến chống lại phiến quân IS.
Quốc hội Iraq đã thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại nước này. Tuy nhiên giới phân tích nhận định rằng, nếu Mỹ rút quân khỏi Iraq, thì những tàn dư của mạng lưới khủng bố có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào, đồng nghĩa là sẽ kéo theo nguy cơ bất ổn về an ninh.
Vụ việc căng thẳng này diễn ra trong bối cảnh tình hình Iraq đang hết sức rối ren do một loạt những bất ổn an ninh và khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nền kinh tế cũng như hệ thống hạ tầng của Iraq, vốn bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến chống lại phiến quân IS, vẫn chưa thể hồi phục. Hậu quả, cứ 5 người Iraq thì có 1 người sống trong cảnh nghèo khổ và tỷ lệ thanh niên ở thanh niên nước này là 25%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!