Nếu bão là ám ảnh của người miền Trung, lũ là tử thần của người vùng cao. Cứ mỗi mùa mưa lũ, người dân nơi đây lại nơm nớp: "Không biết bao giờ nhà mình theo lũ mà đi". Trận lũ quét tràn qua vùng rừng núi Tây Bắc, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái vừa qua đã mất đi nhiều sinh mạng và tài sản. Chia sẻ nỗi đau thương, vất vả của người dân, là hình ảnh những người chiến sĩ công an, bộ đội vác từng thùng mỳ tôm, dọn từng căn phòng học, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Tình người ấm áp ánh lên trong hoạn nạn.
Những thùng hàng tiếp tế thay nhau gửi lên là tấm lòng tương trợ của người miền xuôi cho người miền ngược. Nhưng thật buồn khi người ta phải đặt câu hỏi cho tấm lòng ấy, trong những thùng áo quần cứu trợ, có những chiếc áo tắm "lạc lõng". Đời sống người vùng lũ đã bơi trong dòng nước, có lẽ sẽ chạnh lòng khi nhìn món đồ từ thiện này.
Trước đó, sau những trận bão miền Trung, nhiều chiếc váy thời trang, chiếc giày cao gót, thậm chí đồ lót cũ rách cũng xuất hiện trong những thùng hàng từ thiện. Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu đây là làm từ thiện giúp dân hay đang thanh lý, dọn tủ. Bài học "của cho không bằng cách cho" chưa khi nào hết giá trị.
Mỗi một trận thiên tai qua đi, với người dân vùng lũ đã là những tổn thương mất mát, có lẽ chẳng cần khiến họ thêm phiền muộn khi nghĩ "mình là nơi để tập kết những món phế phẩm nhưng được gọi là hàng từ thiện". Từ thiện không chỉ là trao tấm lòng mà còn phải gửi đi lòng tôn trọng. Nhưng trên thực tế, cách cho của nhiều người đã biến từ thiện thành rắc rối trong cuộc sống của người được cho.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!