Khó khăn trong bảo tồn nghề tranh Ðông Hồ

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 18/11/2019 13:43 GMT+7

VTV.vn - Câu chuyện bảo tồn nghề làm tranh Ðông Hồ đã được đề cập nhiều nhưng điều quan trọng nhất là làm sao để di sản sống một cách bền vững trong lòng cộng đồng lại không hề dễ

"Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp". 

Hai câu thơ của Hoàng Cầm về nét đẹp của dòng tranh dân gian Đông Hồ đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt với hình ảnh của "Đám cưới chuột", hay "Vinh hoa" - "Phú quý"... Dòng tranh cũng đã công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013. Thế nhưng, cùng với sự biến đổi của bối cảnh sống, nhu cầu thị hiếu của người dùng, tranh dân gian Đông Hồ đang đối mặt với nguy cơ bị thất truyền lớn.

Để có thể bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của di sản này, một bộ hồ sơ trình UNESCO để xin đưa tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đang được xây dựng. Hiện bộ hồ sơ này cơ bản đã hoàn thiện, dự kiến sẽ trình lên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia vào tháng 12 này. Đến tháng 3/2020, sẽ chuyển đến UNESCO để tổ chức này đánh giá thẩm định. Vậy tranh Đông Hồ đang ở trong tình cảnh thế nào mà chúng ta cần đề nghị UNESCO chung tay bảo vệ khẩn cấp?

Khó khăn trong bảo tồn nghề tranh Ðông Hồ - Ảnh 1.

Khi người làng Đông Hồ không còn mặn mà với tranh

Khi xưa, làm mã, làm tranh là hai nghề chính của người làng Đông Hồ vốn nổi tiếng khéo tay. Mã thì làm từ Tết ra đến Rằm tháng 7. Rồi sau tháng 7, chẳng ai bảo ai, cả làng lại cất mã, làm tranh.

Thế nhưng, khi cuộc sống thay đổi, nhu cầu về sắc tranh dân gian Đông Hồ trong ngày Tết truyền thống dần mai một, người mua, người chơi tranh mỗi ngày một ít. Người làm tranh bởi vậy cũng thu hẹp lại dần. Từ 17 dòng họ làm tranh dân gian, đến nay, làng chỉ còn 2 dòng họ với 3 gia đình và 4 nghệ nhân.

Khó khăn trong bảo tồn nghề tranh Ðông Hồ - Ảnh 2.

Không ít người làng tranh đi làm hàng mã.

Không thể trách người làng Đông Hồ không yêu, không giữ truyền thống làm tranh dân gian của làng mình. Bởi khi những giá trị văn hóa cộng đồng, dân tộc chưa thể gắn bó với người dân theo đúng nghĩa cơm áo, gạo tiền thì sự mai một, rời bỏ theo nhu cầu thị trường là khó tránh khỏi.

Vậy nên, cũng chẳng làm lạ khi giữa cái trù phú của làng Đông Hồ hôm nay, gặp sắc tranh dân gian lặng lẽ trong ngôi nhà ngập vàng mã, hay cái lắc đầu nếu bảo quay lại làm nghề của chính người đã từng đi qua những năm tháng nhà nhà tấp nập làm tranh.

Sự thu hẹp mạnh về số lượng nhà làm tranh và nghệ nhân tranh tự thân đã cho thấy nhu cầu về dòng tranh dân gian Đông Hồ giảm sút như thế nào. Điều đó cũng đồng nghĩa, những gia đình nghệ nhân đang gắn bó với nghề sẽ phải đối mặt với nhiều hơn những khó khăn để giữ nghề.

Áp lực sống được với nghề của nghệ nhân

Hơn 20 năm kể từ khi phục hồi tranh dân gian Đông Hồ, cũng là từng ấy thời gian, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế - nghệ nhân cao tuổi nhất về tranh Đông Hồ hiện nay, lặn lội theo đúng nghĩa đen tìm đầu ra cho tranh. Ông cũng như những nghệ nhân hiếm hoi còn lại của làng tranh Đông Hồ hiểu được là muốn bảo tồn tranh, trước hết phải sống được với tranh, bán được tranh.

Tranh dân gian Đông Hồ giờ đây được đóng khung, dán mành. Những bản khắc in tranh quen thuộc trong tuổi đời 5 thế kỷ của dòng tranh này cũng được sáng tạo thành tranh khắc gỗ như một nét chơi mới.

Thế nhưng, trong cái tự hào về việc bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống, vẫn có cái chạnh lòng về sự thiếu vắng những chính sách hỗ trợ cần thiết cho những nghệ nhân ít ỏi còn lại…

Khó khăn trong bảo tồn nghề tranh Ðông Hồ - Ảnh 3.

Hiện đầu ra cho tranh dân gian Đông Hồ vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất để bảo tồn và phát triển dòng tranh này, nhất là khi các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa được hiện thực hóa.

Nếu được UNESCO công nhận là "di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp" thì nghề làm tranh dân gian Đông Hồ cũng sẽ là nghề thủ công truyền thống đầu tiên của nước ta được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. 

Hiện có hai hình thức ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO:

1. Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, giống như trường hợp của 11 di sản khác đã từng được công nhận. Ví dụ như Nhã nhạc cung đình Huế hay Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc…

2. Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, giống như 1 trường hợp khác từng được công nhận ở nước ta là Ca trù.

Khi được ghi danh theo hình thức thứ hai cũng đồng nghĩa có rất nhiều việc phải làm, phải hành động toàn diện nếu không muốn di sản văn hóa phi vật thể được công nhận bỗng một ngày lại biến mất. Nỗi lo cho tương lai của tranh Đông Hồ cũng giống như chính nỗi lo của những nghệ nhân cũ nay nhìn tiếp về thế hệ kế cận của họ.

Nỗi lo thiếu thế hệ kế cận nghệ nhân trẻ

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ chủ yếu được truyền dạy và tiếp nối trong các gia đình nghệ nhân. Như gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, người đang nối nghiệp ông để học và theo nghề là con trai Nguyễn Hữu Đạo. Thế nhưng, không phải ngay từ đầu, Đạo đã lựa chọn việc theo nghề của gia đình.

Khó khăn trong bảo tồn nghề tranh Ðông Hồ - Ảnh 4.

Trong hồ sơ đề nghị công nhận tranh Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 1 trong 8 nhiệm vụ là tổ chức lớp truyền dạy nghề làm tranh trong cộng động. Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với ba gia đình nghệ nhân còn lại thực hiện đào tạo nghề làm tranh dân gian Đông Hồ cho 15 người.

Trên bãi đất trống khu vực trước đình Tranh làng Đông Hồ - nơi khi xưa diễn ra những hoạt động mua bán tranh tấp nập, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ đang được xây dựng. Rõ ràng, một thế hệ nghệ nhân trẻ cũng phải được tiếp tục tạo dựng ngay trên chính đất Đông Hồ để việc bảo tồn tranh không trống nghệ nhân.

Hoàn thiện hồ sơ bảo vệ khẩn cấp tranh dân gian Đông Hồ đệ trình UNESCO Hoàn thiện hồ sơ bảo vệ khẩn cấp tranh dân gian Đông Hồ đệ trình UNESCO

VTV.vn - Tranh Đông Hồ là dòng tranh dân gian Việt Nam, do người dân làng Đông Hồ - Bắc Ninh sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước