Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Ngày 1/6/1956, Bác còn mời các cháu thiếu niên ưu tú của các trường ở Hà Nội đến Phủ chủ tịch ăn cơm. Đối với những cô cậu bé lúc bấy giờ, bữa cơm ấy không chỉ là phần thưởng, là sự động viên kịp thời, mà còn là bài học về nhiều đức tính quý báu của Bác
Tết thiếu nhi năm 1956, hơn 100 thiếu niên xuất sắc được ăn cơm và xem chiếu phim tại Phủ Chủ tịch. Bữa cơm bất ngờ với Bác đã đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình trưởng thành của ông Lê Đức Mẫn, khi ấy đang học lớp 6 và là Đội trưởng Đội Thiếu niên tiền phong đầu tiên của Hà Nội.
Dù bận rộn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình thương cho tất cả mọi người và Bác cũng tinh tế để không ai cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Từng cử chỉ, hành động, lời nói của Bác đều truyền cảm hứng để nhà giáo Lê Đức Mẫn áp dụng vào công việc của mình. Ông đã có 40 năm giảng dạy tại Đại học Hà Nội và hiện vẫn làm công tác dịch thuật văn học Nga tại Hội nhà văn Việt Nam.
Nhà giáo ưu tú Lê Đức Mẫn, nguyên giảng viên Đại học Hà Nội chia sẻ" "Càng ngày tôi càng nghiệm ra thế này, Bác Hồ nói ngắn gọn, cô đọng, không thừa không thiếu một câu một chữ nào. Có lẽ sau này tôi đi dạy học, nếu tôi có nói được điều gì đó gãy gọn để học trò tôi có thể nghe được thì cũng bắt đầu từ cách sử dụng ngôn từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Bằng tư tưởng và tình cảm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thắp lên những đốm lửa nhỏ để các thế hệ thiếu niên bùng cháy, vươn lên, cống hiến cho đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!