Gắn mác quốc tế vào tên trường đã được nhiều cơ sở giáo dục sử dụng từ lâu, tuy nhiên, chỉ sau khi xảy ra sự việc đau lòng tại trường quốc tế Gateway, người ta mới giật mình về cái mác quốc tế mà nhiều trường đã sử dụng để định danh này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội: "Đây không phải là trường quốc tế, trong địa bàn quận Cầu giấy không có trường nào là trường quốc tế".
Bất ngờ là tâm lý chung của dư luận trước tuyên bố trên của người đứng đầu ngành giáo dục Cầu Giấy. Gateway International School, cái tên này đã có ngay từ khi thành lập trường vào năm 2017. Ngôi trường này chỉ cách Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy 16 phút đi bộ, 4 phút đi xe máy hay ô tô. Đâu là lỗ hổng để hai chữ quốc tế ngang nhiên lọt vào bảng tên các trường.
Rõ ràng luật không cấm thì việc các trường tự tung tự tác xưng danh là điều dễ hiểu. Chế tài xử phạt duy nhất là vin vào Nghị định 86 về việc đặt tên trường. Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "cấp học hoặc trình độ đào tạo" và "tên riêng". Các trường có tên quốc tế chỉ sai khi trong quyết định cho phép thành lập không có hai chữ này.
11 trường có thể gọi là trường quốc tế thì cũng sở dĩ là do không sai về quy định đặt tên. Ngay cả khi danh sách các trường này được công bố, phụ huynh vẫn phải đỏ mắt đi tìm nếu muốn gửi con vào một môi trường giáo dục chuẩn quốc tế.
Thế nhưng theo nhiều chuyên gia giáo dục, không nên trút gánh nặng vá lỗ hổng pháp lý lên vai phụ huynh. Việc luật hóa khái niệm này là điều nên và sớm phải làm để minh bạch thông tin.
Mất bò mới lo làm chuồng nhưng người ta cũng nói muộn còn hơn không. Hậu quả của việc loạn dán nhãn quốc tế không chỉ ở việc phụ huynh lãng phí tiền bạc cho những chuẩn giá trị không xứng đáng mà nghiêm trọng hơn là lãng phí sự kỳ vọng vào tương lai của chính con em họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!