Chiều thứ Sáu (28/9), đúng 1 tuần trước, thảm họa kép động đất, sóng thần đã xảy ra trên đảo Sulawesi ở Indonesia. Cho đến thời điểm này, khoảng 1.424 người được xác định đã thiệt mạng. Số người còn bị chôn vùi dưới đống đổ nát được ước tính là khoảng 500 người và hơn 2.500 người khác bị thương đang phải chăm sóc y tế.
Mọi công tác cứu hộ cũng như cứu trợ quốc tế đang được tiến hành khẩn trương tại nơi xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, khối lượng công việc tìm kiếm cứu nạn quá lớn đang làm toàn bộ hệ thống bị quá tải.
Những ngôi nhà xiêu vẹo, không còn hình dạng sau trận động đất, sóng thần. (Ảnh: Reuters)
1 tuần sau thảm họa, người ta phải đặt ra câu hỏi và đòi hỏi phải có câu trả lời là: "Vì sao thương vong lại lớn đến như vậy mặc dù Indonesia cũng chính là tâm điểm của thảm họa, sóng thần năm 2004 và đã được đầu tư rất nhiều để phòng ngừa thảm họa tái diễn?". Mới đây, các nhà chức trách Indonesia đã bắt đầu đưa ra lời giải thích khiến nhiều người bàng hoàng.
Khủng cảnh đổ nát, trơ trọi của Palu sau thảm họa động đất, sóng thần. (Ảnh: Reuters)
Bất chấp được đầu tư và rút kinh nghiệm rất nhiều sau thảm họa sóng thần năm 2004 - thảm họa đã cướp đi sinh mạng của gần 170.000 người tại các nước bên bờ Ấn Độ Dương, việc cảnh báo sóng thần tại Indonesia lần này vẫn có thiếu sót. Hệ thống cảnh báo sóng thần không đưa được thông báo tới đa số người dân, bởi không được thường xuyên bảo trì và sửa chữa. Ngoài ra, hệ thống này vẫn còn những lỗ hổng.
Một góc thành phố Palu. (Ảnh: Reuters)
Cho đến thời điểm này, số người thiệt mạng trong thảm họa động đất, sóng thần trên đảo Sulawesi, Indonesia, sẽ còn tăng lên vì còn rất nhiều khu vực lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận, do khối lượng công việc khổng lồ mà lực lượng cứu hộ đang phải đối mặt. Cuộc tìm kiếm những người còn sống sót cho đến lúc này đã bắt đầu được coi là chuyển sang nỗ lực tìm kiếm đủ xác của những người thiệt mạng.
Những lá cờ cắm báo hiệu vị trí có xác người chưa đưa lên được phấp phới khắp nơi. Hình ảnh này là biểu tượng cho thách thức mà các nhân viên cứu hộ trên đảo Sulawesi phải đối mặt hàng ngày. Họ mệt mỏi và hoàn toàn "lực bất tòng tâm" vì chủ yếu họ chỉ dùng tay, không có nhiều dụng cụ hỗ trợ, máy móc cỡ lớn cũng rất ít.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!