Nếu như bản quyền các tác phẩm nghệ thuật như âm nhạc, xuất bản đang được bảo vệ một cách nghiêm ngặt thì vấn đề bản quyền nhiếp ảnh, hội họa đang là vấn đề nan giải và khó giải quyết, khi nhan nhản các bức ảnh được sao chép, trưng bày và bán ngoài thị trường. Vất vả trong tác nghiệp, tốn kém về kinh tế để có được những "đứa con tinh thần" trong nghệ thuật nhưng các nghệ sĩ lại đang gặp khó trong việc bảo vệ tác phẩm của chính mình.
Sau hàng chục năm làm nghề với hàng nghìn bức ảnh nghệ thuật được công chúng mến mộ, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định còn có thêm cho mình album ảnh "bị đánh cắp bản quyền" mà ông vô tình phát hiện và lưu lại. Mới đây nhất, nghệ sĩ này đã phải làm việc với luật sư để làm rõ việc một thương hiệu tranh thêu nghệ thuật tự ý lấy các tác phẩm của mình để sao chép với mục đích thương mại.
Nhiếp ảnh gia Thái Phiên cho rằng, vấn nạn vi phạm bản quyền các tác phẩm nhiếp ảnh đang diễn ra rất phổ biến với mức độ trầm trọng, các tác giả gặp nhiều gian nan trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm của chính mình.
Không chỉ nhiếp ảnh, hội họa cũng là loại hình nghệ thuật bị sao chép nhiều không kể. Hôm nay mới trưng bày ở triển lãm, hôm sau rất có thể đã nằm ở bất cứ phòng tranh nào với số lượng hàng chục bản.
Theo các luật sư, việc sao chép các tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa là vi phạm quyền tác giả và hoàn toàn có thể xử lý theo luật pháp cùng những thủ tục đơn giản.
Tác giả ít khi đi đăng ký bản quyền cộng thêm tâm lý ngại va chạm, kiện cáo, thế nên hầu hết các nghệ sĩ không quyết liệt trong việc bảo hộ quyền tác phẩm của mình, khi xảy ra tranh chấp thường mất nhiều thời gian xử lý, khiến họ dễ chán nản và buông xuôi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!