Dân số già là câu chuyện muôn thuở của Nhật Bản. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở bài toán phúc lợi xã hội, giới chức nước này còn phải đối mặt với tình trạng dở khóc dở cười, đó là người già liên tục phạm tội, thậm chí cố ý tái phạm. Mặc dù vậy phạm tội không bởi vì họ cố ý làm các hành vi xấu, mà để được vào tù và có người chăm lo - một hệ lụy không mong muốn từ việc dân số già hóa và neo đơn chóng mặt.
Lưu trú và sinh hoạt trong một tòa nhà đặc biệt tại nhà giam Tokushima, dành riêng cho những phạm nhân cao tuổi. Mỗi ngày, nhiệm vụ duy nhất của họ là tự chăm lo cho bản thân và nghỉ ngơi.
Trộm cắp vặt, vi phạm luật, thậm chí là đánh người. Có vô vàn lý do khác nhau cho việc những phạm nhân này bị đưa vào tù. Nhưng họ đều thú nhận, nguyên nhân cho việc đánh đổi sự tự do là nỗi sợ sự cô đơn và thiếu thốn sự chăm sóc.
Không có nhiều nhà tù như Tokushima, bởi nơi đây giống nhà dưỡng lão hơn là trại giam. Mặc dù không đặt viẹc chăm sóc tù nhân lên hàng đầu nhưng việc đảm bảo sức khỏe cho họ vẫn là điều phải làm. Kết quả, chi phí giữ người cao tuổi trong tù gia tăng nhanh chóng lên hệ thống công. Bao gồm từ chi phí y tế tăng cao hàng năm, đến khoản lương phụ trội trả cho nhân viên chuyên biệt chăm sóc các tù nhân lớn tuổi.
Thống kê năm 2017 cho thấy hơn một nửa số người cao tuổi phạm tội là sống một mình; hoặc không có liên lạc với người thân. Điều này không chỉ là nỗi đau đầu của nhà chức trách, mà còn cho thấy sự mất cân bằng trong xã hội.
Tuổi thọ cao từng là niềm tự hào của người Nhật Bản. Nhưng giờ đây nó còn là gánh nặng lên một thế hệ lo sợ sự cô đơn, thất nghiệp và không người chăm sóc. Để rồi những người cao tuổi thà lựa chọn không gian đằng sau song sắt để sống nốt cuộc đời thay vì bị rơi vào lãng quên.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!