Nhà máy thép Hòa Phát đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép nhận chìm xuống đáy vùng biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi 15 triệu tấn vật chất trong quá trình nạo vét cảng Dung Quất.
Với hơn 15 triệu m3 vật chất đưa lên từ đáy biển, nếu chỉ dùng những phương pháp nạo vét bằng gầu múc thì không những kéo dài thời gian thi công, mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường do khó kiểm soát mức độ phát tán vật chất.
Trong đề án nhận chìm vật chất nạo vét tại cảng Dung Quất, chủ đầu tư đã đưa ra phương án sử dụng công nghệ tàu hút bụng xả đáy. Đội tàu 15 chiếc, tải trọng hơn 35.000m3 sẽ liên tục dùng vòi hút, ép sát đáy biển để hút bùn cát lên khoang, sau đó đóng kín và di chuyển đến vị trí nhận chìm. Khoảng cách 17m từ đáy tàu lên đến mặt biển giúp cho các loại vật chất khi rơi tự do không bị sóng biển phân tán rộng. Đây là công nghệ được các chuyên gia đánh giá là hiện đại nhất thế giới.
Phương án nhận chìm cũng được đưa ra tham vấn rộng rãi đến người dân của các xã Bình Đông và Bình Thuận. Đây là 2 xã có số đông người dân làm nghề biển, nằm trong vùng dự kiến nhận chìm vật chất nạo vét.
Để đáp ứng yêu cầu của người dân, chủ đầu tư cam kết sẽ lắp đặt các phao nổi đánh dấu vị trí nhận chìm, đồng thời sử dụng lưới chắn bùn cỡ nhỏ để giảm thiểu tối đa tác động tới vùng nguồn lợi thủy sản. Các trạm quan trắc môi trường tự động cũng sẽ được lắp đặt tại nhiều vị trí, tự động truyền dẫn kết quả đến các cơ quan chức năng 5 phút/lần. Người dân địa phương cũng có thể trực tiếp lên các tàu nạo vét để giám sát quá trình nhận chìm. Dự án này dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!