UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản đề xuất với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn hạ độ cao đê sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương để làm đường giao thông. Dự kiến mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân.
Cụ thể, đoạn đê từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương sẽ thay thế một phần đê đất bằng tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L với chiều dài khoảng 1,1km. Tiếp đó, mở rộng cửa khẩu An Dương từ 2 khoang lên 3 khoang và xây mới 3 cửa khẩu. Thiết kế cầu vượt tại nút giao thông đường An Dương - Thanh Niên với bề rộng mặt cầu từ 9m lên 10m, chiều dài cầu được điều chỉnh để nối tiếp phù hợp với mặt đường giao thông trên đê thiết kế.
Trước thông tin này, nhiều người dân sống ven đoạn đê này khá lo lắng vì đây là tuyến đê cấp đặc biệt quan trọng đảm bảo an toàn chống lũ cho khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội. Việc hạ một đoạn cốt đê có thể làm ảnh hưởng đến kết cấu toàn bộ đê sông Hồng.
Theo thiết kế, đoạn đê đất sẽ được thay thế bằng đê bê tông và hạ xuống nhằm mở rộng đường cho thêm 2 làn xe. So với mặt đường dân sinh sẽ hạ xuống khoảng 2,5m và một bức tường bê tông sẽ được dựng lên.
"Đê này thực chất là đê để chống lũ của Hà Nội, nên không biết hạ đê có ảnh hưởng đến tính mạng của dân hay không, đặc biệt là những lúc mưa bão về" - chị Trần Hoài Thanh (Nghi Tàm, Hà Nội) lo lắng.
Cùng chung suy nghĩ với chị Thanh, chị Thu Hường (An Dương, Hà Nội) nói: "Nếu mặt đê hạ thấp thì chúng tôi lo ngại sẽ bị ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt".
Một số chuyên gia cho rằng, lo lắng của người dân hoàn toàn có cơ sở bởi khi thay thế một phần đê đất bằng tường bê tông chưa khẳng định có đảm bảo an toàn cho việc chống lũ hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!