Những tiếng thở dài trong lòng Di tích lịch sử cấp quốc gia Lam Kinh

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 16/10/2019 14:51 GMT+7

VTV.vn - 17 năm nay, hàng chục hộ dân thuộc diện phải di dời khỏi vùng 1 của Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Lam Kinh vẫn ngày ngày chờ đợi được tái định cư ra khu ở mới.

Được xây dựng từ những thập kỷ đầu thế kỷ XV, Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thanh Hóa được xem như là một Tây Kinh, song hành cùng Đông Kinh - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước dưới thời Lê. Lam Kinh vừa là nơi thể hiện quyền lực của Vương triều Lê, vừa là nơi thờ cúng tổ tiên Hoàng gia. Chính vì vậy, khi được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, Lam Kinh đã thể hiện rõ vị thế và giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử tinh hoa, được kết tinh qua hàng ngàn đời của cha ông để lại. Việc bảo tồn, bảo quản và phát huy các giá trị vật thể và phi vật thể cũng cần chú trọng đặc biệt. Thế nhưng, hàng chục năm nay, ngay vùng vành đai 1 của khu di tích này vẫn tồn tại những căn nhà lụp xụp, xuống cấp và cần được di dời.

Theo báo cáo ban đầu của Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh về kết quả kiểm tra, rà soát các hộ bị ảnh hưởng nằm trong quy hoạch mở rộng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (giai đoạn 1) còn lại 97 hộ. Trong đó, 31 hộ dân ở thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam đã có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh và 66 hộ dân ở thị trấn Lam Sơn. Việc chậm di dời các hộ dân này khỏi vùng lõi di sản đang là yêu cầu cấp bách.

Trước đó, vào tháng 6/2002, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử Lam Kinh, với diện tích khu di tích được mở rộng từ 141 ha lên 200 ha. Tổ chức di chuyển 1 khu chợ Cham và 31 hộ dân sống ở khu vực phía Đông khu di tích (thuộc thôn Phúc Lâm) ra khỏi vùng quy hoạch.

Đến năm 2004, UBND huyện Thọ Xuân cùng các ngành đã kiểm kê tài sản, áp giá đền bù, đồng thời xây dựng mặt bằng tái định cư cách đó khoảng 700 m để di chuyển các hộ dân, nhường đất cho khu di tích. 

Quy hoạch đã được ban hành, việc kiểm kê giải phóng mặt bằng đã thực hiện và khu tái định cư đã xong, nhưng suốt 15 năm qua, 31 hộ dân thuộc diện di dời phải sống ngay giữa vùng lõi của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, trong tình trạng thiếu thốn đủ bề. Việc di dời các hộ dân ra khỏi lòng di tích đang là yêu cầu khẩn thiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước