Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguồn nước cung cấp cho người dân Thủ đô hiện nay chủ yếu là nước ngầm. Ô nhiễm nguồn nước ngầm chính là nguyên nhân khiến cho nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân không được đảm bảo và nguy cơ sử dụng nước bẩn luôn nằm trong tình trạng báo động.
Bỏ tiền ra mua nước sạch, nhưng người dân phải sống chung với nước có cả màu lẫn mùi, thậm chí nhiễm độc và vi khuẩn, là tình trạng khá phổ biến tại Thành phố Hà Nội. Để ứng phó với tình trạng đó, nhiều hộ gia đình đã phải đầu tư thêm hàng chục triệu đồng cho hệ thống lọc, dù cũng chưa biết hiệu quả ra sao.
Kết quả xét nghiệm nước sinh hoạt có vi khuẩn Colifoms và E.coli cao gấp nhiều lần cho phép
Chỉ riêng trong một năm qua, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cũng đã cho ngừng hoạt động 4 trụ giếng khoan, nguyên nhân là nguồn nước nhiễm amoni và các tạp chất luôn vượt ngưỡng cho phép.
Ông Hoàng Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông cho biết: "Việc đóng giếng để giảm dần nước ngầm và tiếp nhận nước mặt, công ty chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương của Thành phố Hà Nội. Và mục đích thứ hai là để nâng cao chất lượng nước, giảm amoni để đạt tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt cho bà con nhân dân".
Ô nhiễm nước ngầm chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm nước sinh hoạt tại Thủ đô Hà Nội
Hiện nay khu vực phía Tây Nam và các huyện ngoại thành Hà Nội, nguồn nước ngầm ở cả hai tầng chứa nước nông và sâu đều nhiễm các chất gây hại. Mặc dù nước đã qua hệ thống lọc nhưng vi khuẩn Colifoms và E.coli cao gấp nhiều lần cho phép. Đặc biệt, tại nhiều khu đô thị, hàm lượng amoni trong nước sinh hoạt luôn vượt ngưỡng tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế quy định.
Hiện nay Thành phố Hà Nội đang thực hiện lộ trình đóng cửa toàn bộ giếng ngầm để sử dụng nước mặt thay thế. Nguồn nước mặt được khai thác từ ba con sông có lưu lượng nước lớn là sông Hồng, sông Đà và sông Đuống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!