Xung quanh cánh rừng đặc dụng này, Ban Quản lý đã dựng các tấm biển cấm nhưng có vẻ như các đối tượng khai thác quặng trái phép ở đây lại không mấy quan tâm đến ý nghĩa của những tấm biển này.
Dù bị cấm nhưng quặng tặc vẫn đào xới đất đá để đào đãi quặng sa khoáng và khai thác trong các hang sâu. Để tăng cường kiẻm tra giám sát, UBND huyện Nguyên Bình đã thành lập một tổ chốt trực gồm có 5 cán bộ tại cửa rừng, ở gần điểm nóng Ca Mi. Tuy nhiên, chốt trực này chỉ kiểm soát và ngăn chặn được tình trạng người dân địa phương khai thác quặng lộ thiên, còn những quặng tặc manh động liều lĩnh hoạt động trong hang lại không làm gì được.
Địa phương cấp thị trấn báo cáo lên huyện vì không đủ lực lượng xử lý. Phía huyện cũng đã thực hiện nhiều đợt truy quét nhưng đến nay, tình trạng khai thác khoáng sản trong khu rừng đặc dụng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Quặng tặc cố thủ trong hang, ngang nhiên nổ mìn, đưa máy móc vào tận thu khoáng sản.
Theo quy định, ngoài chính quyền địa phương, việc quản lý tài nguyên khoáng sản rừng đặc dụng, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng. Vậy chủ khu rừng đặc dụng Phia Oắc này đã ở đâu trong suốt thời gian qua?
Không có cán bộ, không có công cụ hỗ trợ, không có thẩm quyền xử lý vi phạm, thế nên, dù có kiểm tra, thu giữ nhiều dụng cụ khai thác của người dân và các máy móc đào đãi của các đối tượng cũng không chấm dứt được nạn quặng tặc hoành hành. Trong khi chủ rừng và cơ quan chức năng ở địa phương như đang bất lực trong cuộc chiến bảo vệ rừng, cứ thêm một ngày, cây cối, khoáng sản ở khu rừng Phia Oắc này lại bị mất đi vì quặng tặc tàn phá!
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!