Sự kỳ thị với người gốc Á trong cơn bão dịch Corona

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 08/02/2020 13:26 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ chiến đấu với nCoV, thế giới đang đứng trong cuộc chiến khác, nơi những kẻ phân biệt chủng tộc nhân cơ hội để bài xích, kỳ thị, xúc phạm những màu da khác.

Những dòng tin chính - headlines của báo chí luôn tìm cách có được sự chú ý của khán giả. Trong những ngày qua, nhiều dòng headlines đem đến sự sợ hãi và cả phẫn nộ vì chưa đựng nhiều ẩn ý về kỳ thị và phân biệt chủng tộc.

Một tờ báo ngay trên trang nhất đăng tít bài "China Virus Panda-monium". Từ "pandemonium" có nghĩa "đại dịch", nhưng lại chơi chữ một cách mỉa mai khi nói lái thành "panda" (Nghĩa là gấu trúc - biểu tượng thường được liên tưởng đến hình ảnh Trung Quốc).

Một trang báo khác giật tít Made in china với một màu vàng chói chang trên nền một người đàn ông đỏ rực. Một tờ báo địa phương của Pháp thậm chí đã đẩy mọi việc đi xa hơn khi các tiêu đề cảnh báo cấp tốc vì virus Vũ Hán đã như đổ thêm dầu vào lửa. Trên trang nhất, tờ báo này đã để dòng tiêu đề "Virus corona từ Trung Quốc - Cảnh báo vàng". Bên trong là bài xã luận với tiêu đề "Nguy hiểm màu vàng". Trong đó, các từ như "màu vàng" và "nguy hiểm" đều được cho là ám chỉ tiêu cực đối với màu da vàng - cụm từ có xu hướng bài ngoại, phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng châu Á từ thế kỷ 19.

Virus Corona chỉ là một chất xúc tác thêm vào đợt sóng ngầm luôn chực chờ trỗi dậy, khơi lên những nỗi sợ sẵn có, khuếch đại chúng và khiến mọi người củng cố thêm những định kiến của mình. Một số người mặc nhiên xem người Trung Quốc hoặc những người có vẻ là người châu Á là những người mang virus.

Phát biểu trên trang tin The Verge, giáo sư Roger Keil thuộc Đại học York (Canada) nhận định rằng, chỉ một số dịch bệnh nhất định là nguồn cơn của các làn sóng phân biệt chủng tộc. "Dịch H1N1 xuất phát từ Bắc Mỹ, bệnh bò điên từ nước Anh đều không tạo ra những làn sóng phân biệt tới mức độ này. Nhưng nhắc lại những nỗi sợ khi có dịch bệnh SARS xuất phát từ Trung Quốc hay dịch Ebola từ châu Phi thì đều liên quan nhiều đến tâm lý bài ngoại".

Truyền thông và mạng xã hội có vẻ như đang làm mọi thứ tệ hơn. Những đoạn video cảnh ăn "salad chuột" hay "súp dơi" được chia sẻ rầm rộ và được bàn tán xôn xao. Bất chấp thực tế là những hình ảnh này đã được quay từ năm 2016 tại quốc đảo Palau và không hề phản ánh đúng về thói quen của người Trung Quốc.

Ở Pháp, một phụ nữ Việt Nam nói với tờ Le Monde rằng cô đã bị một tài xế xúc phạm. Tài xế này hét lên "giữ lấy virus đi" và "cô không được chào đón ở Pháp", rồi lái xe qua vũng nước, khiến nước bắn lên người cô. Sự bùng nổ của virus Corona đang gây ra làn sóng dữ dội không kém đó chính là làn sóng bài xích chủng tộc. Các nạn nhân đã đồng loạt lên tiếng. Hashtag #JeNeSuisPasUnVirus (tôi không phải virus) vươn lên đứng đầu các trang mạng xã hội.

Ở cấp độ cao hơn tâm lý kỳ thị của người dân, phản ứng của chính phủ có thể đã góp phần dẫn đến các định kiến này tăng thêm. Tổ chức Y tế Thế giới từng phản đối các biện pháp can thiệp không cần thiết vào thương mại và đi lại quốc tế, song nhiều quốc gia vẫn quyết định ban bố lệnh cấm do lo ngại dịch bệnh tràn sang, khiến dư luận có xu hướng gắn người dân Trung Quốc với virus nguy hiểm mới. Hơn nữa, việc chính những người châu Á tự kỳ thị nhau, thậm chí còn khiến chúng ta mong manh và dễ ngã quỵ hơn trước những thảm họa bất ngờ.

Tuần qua, Google thiết kế hình ảnh Doodle về một cậu bé diễn thuyết trước đám đông để kỷ niệm 31 năm ngày sinh nhật của cậu. Nkosi Johnson được coi là một trong số những người truyền cảm hứng lớn nhất về chống nạn phân biệt chủng tộc của Nam Phi. Một năm trước khi qua đời, Nkosi Johnson thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào tháng 7/2000 khi cậu có bài phát biểu đầy cảm xúc tại lễ khai mạc Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 13 ở Durban, Nam Phi. Khi đó, đứng trước đám đông, cậu dõng dạc kêu gọi lòng trắc ẩn ở con người đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, đấu tranh để những trẻ em Nam Phi nhiễm HIV được phép đi học và không bị phân biệt đối xử.

Mạng xã hội Lotus mở chiến dịch 'Lá chắn virus Corona' Mạng xã hội Lotus mở chiến dịch "Lá chắn virus Corona"

VTV.vn - "Lá chắn virus Corona" sẽ chia sẻ những thông tin và kiến thức nhanh chóng, chính xác và hữu ích nhất liên quan đến dịch bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước