Mặc dù từ tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong vòng 3 năm qua, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn chưa hề giảm hẳn.
Chỉ tính riêng tỉnh Gia Lai, con số thống kê mới nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh này đã cho thấy, từ tháng 6/2016 - 4/2019 có gần 1.600 vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng, 112 vụ phá rừng trái phép, gần 2.978 m3 gỗ tịch thu từ nhóm 1 đến nhóm 8 và 73 vụ xử lý hình sự. Những con số biết nói này đã thể hiện mức độ tàn phá rừng đang còn là điều đáng lo ngại.
Tại một cánh rừng phòng hộ ở huyện Đắc Cơ giáp biên giới Campuchia, nơi được cho là điểm nóng của tình trạng phá rừng hiện nay, nhìn từ trên cao, hàng trăm ha rừng phòng hộ đã trọc lóc, cây rừng ngã ngổn ngang, những khoảng xanh còn lại chủ yếu là cây trồng do lấn chiếm đất rừng làm rẫy.
Nhằm hướng phát ra tiếng cưa máy, phóng viên nhanh chóng tiếp cận một diện tích rừng còn sót lại. Hiện trường là những gốc cây rừng bị đốn hạ, có gốc đường kính lớn gần 1m. Ngoài một số lượng lớn gỗ đã lấy đi, số còn lại bị đốt bỏ không thương tiếc.
Trên đường quay trở lại trạm bảo vệ rừng gần nhất, phóng viên bắt gặp từng nhóm người chạy từ rừng ra với những súc gỗ dài trên 3m đường kính lớn trên 30cm. Mất một thời gian khá lâu phóng viên mới tìm được một người là nhân viên của ban quản lý rừng đặc dụng để cùng quay trở lại hiện trường nhưng đến nơi, bóng dáng lâm tặc đã mất tăm.
Theo thông tin mới nhất, Tỉnh ủy Gia Lai đang chỉ đạo kiện toàn các đơn vị, tổ chức quản lý bảo vệ rừng trong đó có việc thanh tra toàn diện Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ, nơi nhóm phóng viên Chuyển động 24h đã ghi lại được tình trạng xâm hại rừng diễn ra công khai tại khu vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!