Kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra vào cuối tháng 10, đến nay, đã có 3 người thiệt mạng, hơn 260 người bị thương và ít nhất 400 người bị bắt giữ. Nhiều tài sản bị thiệt hại nghiêm trọng. Người ta có thể đong đếm những đổ vỡ bằng con số nhưng có những thứ bị phá vỡ mà không thể đếm được bởi nó là giá trị tinh thần của cả dân tộc.
Biểu tượng chiến thắng của nước Pháp ấy, nơi đặt "Ngọn lửa chiến sĩ vô danh" cũng bị đập phá và bôi nhọ. Bức tượng nàng Marianne nổi tiếng bên trong Khải Hoàn Môn, tượng trưng cho sự tự do, cho nền Cộng hòa Pháp bị đập vỡ. Trên tường, các dòng chữ sơn xịt phủ kín. Khải Hoàn Môn là một trong những biểu tượng lớn nhất của Paris và nước Pháp đã bị ô uế, theo đúng nghĩa đen của từ này.
Đây được gọi là thảm sát di sản - một thuật ngữ được dùng trong ngành di sản học, để chỉ hành động phá hoại di sản với động cơ đằng sau thường liên quan tới chính trị. Được dựng lên bởi nhiều yếu tố tư tưởng dân tộc, lý tưởng quốc gia, niềm tự hào của người dân, nhưng bất cứ lúc nào, các di sản cũng có thể bị biến thành công cụ để thực hiện mục đích. Hoặc nhìn theo một cách khác, việc Khải Hoàn môn và những di sản bị phá huỷ còn cho thấy niềm tin của người dân Pháp đã không còn. Cuộc tấn công vào văn hóa - gốc rễ của con người, không súng đạn, nhưng cũng đầy buồn thương, mất mát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!