Tại khu vực dự kiến sẽ đặt cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm TP.HCM, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông vào giờ tan tầm rất đông. Nếu như trên cung đường này đặt thêm các cổng thu phí, cũng có nghĩa là tốn thêm một phần diện tích đường và việc tham gia lưu thông sẽ phải phân luồng kiểu khác để thu được phí của ô tô, điều lo ngại đầu tiên của người dân là liệu con đường có trở nên ùn tắc hơn?
Băn khoăn thứ hai đó là cách thực hiện thu phí. Dự kiến 40.000 đồng cho 1 ô tô cá nhân; 50.000 đồng cho xe tải - một mức phí không hề thấp, nhất là nếu nhu cầu đi lại của phương tiện cao, diễn ra hàng ngày. Căn cứ nào để đưa ra mức phí đó cũng là một bài toán để đơn vị đề xuất cần phải làm rõ.
Phóng viên VTV có trao đổi với đại diện của Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM, đơn vị này cho biết, mỗi xe tải loại 1 tấn chở hàng từ ngoại thành vào khu vực trung tâm, chi phí trung bình là 300.000 đồng. Với mức thu phí 40.000 – 50.000 đồng/lần như đề xuất, sẽ khiến giá thành vận tải tăng khoảng 16%, giá thành hàng hóa cũng bị ảnh hưởng. Cũng theo đơn vị này, việc đi lại vận chuyển hàng hóa là nhu cầu có thực, do vậy việc thu phí đối với loại xe này không hợp lý. Nếu vậy, họ sẽ phải đi đường vòng để tránh phí. Và câu hỏi đặt ra, thu phí rồi liệu có giảm tắc chỗ này nhưng lại tắc chỗ khác hay không?
Theo các chuyên gia giao thông, đối với một đô thị hơn 10 triệu dân như TP.HCM, cần phải thực hiện 2 chính sách: kéo và đẩy đồng thời. Đẩy bằng cách tăng chi phí sử dụng phương tiện cá nhân và kéo người tham gia sử dụng giao thông công cộng bằng cách giảm chi phí đối với các phương tiện này. Có như vậy, bài toán giao thông đô thị mới có thể giải quyết được một cách triệt để hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!